Sốc phản vệ tại Hòa Bình: 10 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch

Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa Thận nhân tạo, hiện tại tình trạng của 10 bệnh nhân sốc phản vệ được chuyển từ BVĐK tỉnh Hòa Bình xuống BV Bạch Mai đã tạm thời ổn định.

Chia sẻ với PV, BS Dũng cho biết: Từ 12h đêm qua, theo sự chỉ đạo của cấp lãnh đạo, bệnh viện đã tiến hành chuyển 10 bệnh nhân bị sốc phản vệ từ BVĐK tỉnh Hòa Bình về BV Bạch Mai, chỉ còn 1 bệnh nhân nặng thì vẫn tiếp tục điều trị ở BVĐK tỉnh.

Theo ông Dũng, tình trạng của 10 bệnh nhân này lúc được chuyển về TW thì khá ổn định. Hiện có 4 bệnh nhân đang nằm ở khoa thận tiết niệu, 3 bệnh nhân ở khoa điều trị tích cực, 1 bệnh nhân nằm ở khoa cấp cứu, 2 bệnh nhân nằm ở khoa chống độc.

BS Nguyễn Hữu Dũng (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ về tình trạng sức khỏe của 10 bệnh nhân bị sốc phản vệ ở đang được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Quỳnh Chi)

Theo đánh giá của BS Nguyễn Hữu Dũng, đến 6h sáng hôm nay, trong số 3 bệnh nhân đang điều trị tích cực thì có 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe tốt. Một bệnh nhân đang được tiến hành lọc máu thì sức khỏe cũng đã được cải thiện khá nhiều. Hai bệnh nhân ở khoa chống độc và 4 bệnh nhân ở khoa thận tiết niệu cũng đã tạm thời qua cơn nguy kịch.

Về tai biến sốc phản vệ do chạy thận nhân tạo

Chia sẻ về tai biến y khoa nghiêm trọng vừa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, Ông Dũng cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ lọc máu rất phức tạp và có rất nhiều quy trình dài.

Để thực hiện 1 ca lọc máu phải có nước để lọc máu, quả lọc, kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân và rất nhiều công đoạn thì mới xong quá trình lọc máu. Quy trình lọc máu kéo dài 3 – 4 tiếng với rất nhiều công đoạn phải làm.

Trên thế giới và Việt Nam, khi thực hiện 1 kỹ thuật lọc máu, cần phải hết sức đề phòng và hiểu rõ các nguyên nhân, biến chứng của nó. Có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu và các tai biến trong quá trình chạy thận nhân tạo thường là các tai biến nghiêm trọng. Các tai biến này thường xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không được điều trị kip thời có thể dẫn đến tử vong.

Ông Dương Đức Hùng, trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân trong quá trình lọc máu có thể bị tụt huyết áp, đây được coi là biến chứng rất nặng, có nguy cơ dẫn đến các biến chứng khác như biến chứng giác mạch. Nếu như bị tắt các mạch quan trọng như mạch não, mạch vành, mạch phổi, thì hậu quả sẽ rất khôn lường”.

Cũng theo ông Dũng, đây là những biến chứng rất hiếm gặp. Hiện tại, BV đã có các máy có hệ thống cảnh báo rất tốt, chỉ cần hỏng bộ phận nào đó trên cơ thể là có thể phát hiện ngay ra được. Trong trường hợp này, có gần 20 chiếc máy hoạt động cùng lúc cho gần 20 bệnh nhân bị tai biến đột xuất tại Hòa Bình.

Video: Sốc phản vệ ở Hòa Bình - Chuyên gia nhận định nguyên nhân

Ông Hùng nhấn mạnh: “Quan trọng là phải điều trị để bệnh nhân sống đã”. Hiện tại, bệnh viện chưa đi tìm hiểu sâu nguyên nhân, giai đoạn này vẫn đang tập trung để cứu chữa cho các bệnh nhân. Mọi nguyên nhân nêu ra cũng mới chỉ là các giả thiết phỏng đoán, phải một thời gian nữa thì các chuyên gia mới tiến hành tìm hiểu, phân tích để công bố nguyên nhân chính xác.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng muốn mọi người hiểu rằng, đây là sự cố đột biến nhất thời chứ không phải là do vấn đề từ hệ thống thận nhân tạo để các bệnh nhân khác yên tâm.

Hàng năm, có hàng triệu người ở Việt Nam sử dụng máy chạy thận, tỷ lệ tai biến xảy ra nếu có thì cũng rất ít, chỉ là những trục trặc nhỏ. Đây là lần đầu tiên xuất hiện trường hợp nghiêm trọng đến mức như vậy.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Quỳnh Chi

Nguồn VTC: http://vtc.vn/suc-khoe/soc-phan-ve-tai-hoa-binh-10-benh-nhan-da-qua-con-nguy-kich-d326499.html