Hành trình đi tìm sự thừa nhận của CĐV Hà Nội

CLB Hà Nội chỉ cần mất 1 mùa giải để có được chức vô địch V.League sau khi thăng hạng nhưng phải mất đến cả thập kỷ để họ có được những tình yêu đích thực trên các khán đài.

Hội CĐV Contras Hà Nội đã mang lại sức sống trên các khán đài Hàng Đẫy. Ảnh: MT

Sự ra đời

Non trẻ và không có khán giả, tất cả những gì Hà Nội T&T có thể làm là huy động một lực lượng CĐV để giúp và ủng hộ đội bóng ở các trận đấu diễn ra trên sân Hàng Đẫy. Và cũng vì thế mà suốt 10 năm qua vẫn có một nhóm CĐV với những người trung, cao tuổi, trong đó có cả những người chẳng hiểu gì về bóng đá vẫn đứng lên phất cờ, đánh trống. Để có được nhóm CĐV này, đội bóng phải chi ra một khoản “thù lao”.

Và đến năm 2015, khi Hội CĐV chính thức ra đời với tên “Contras Hà Nội” đã thay đổi diện mạo cũng như cách nhìn, cách nghĩ về khán giả thủ đô. Xuất phát từ việc bộ phận truyền thông của CLB Hà Nội có nhu cầu in áo và cờ để phục vụ công tác cổ vũ, Nguyễn Trung Đức (sinh năm 1994, quê Chương Mỹ, Hà Nội) đã xin được đi theo đến sân Hàng Đẫy và xem các trận đấu của Hà Nội. Đấy cũng là lần đầu tiên Trung Đức xem V.League. Và rồi, cuộc bén duyên của Trung Đức với CLB Hà Nội cũng bắt nguồn từ đây. Chàng trai người Chương Mỹ đã có ý tưởng sáng lập ra Hội CĐV Hà Nội.

Lúc sơ khai, hội chỉ có vẻn vẹn 15 thành viên. Trung Đức chia sẻ: “Việc hoạt động ban đầu gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở số lượng thành viên quá ít, mà còn bởi kinh phí hoạt động không có. Ban đầu, hội phải đi thuê trống và loa đến sân để cổ vũ. Niềm an ủi duy nhất cho hội là được sự ủng hộ từ chính các cầu thủ ở Hà Nội lúc bấy giờ. Khi đội in được 30 chiếc áo và 30 chiếc khăn, cầu thủ Ngọc Duy (đang chơi cho Sài Gòn) đã mua ủng hộ đến 12 chiếc áo. Và cầu thủ Quốc Long (Sài Gòn) đã huy động các đồng đội ủng hộ được 12 triệu đồng cho hội hoạt động”.

Những ngày đầu tiên trên khán đài cổ vũ cho đội bóng, các thành viên còn khá nhút nhát trong cách cổ vũ, nhiều bạn ngại ngùng không dám hô to. Không chỉ vậy, việc cổ vũ cũng không có bài bản cụ thể như nhiều các Hội CĐV khác mà phần lớn theo bản năng. Rồi việc tồn tại nhóm CĐV cũ của Hà Nội, chưa có được tiếng nói chung khiến hai hội hoạt động độc lập và đôi khi vênh nhau trong văn hóa cổ vũ và hình ảnh xuất hiện. Tuy vậy, sau bao năm lên chơi V.League trong tình trạng không có những khán giả thực thụ, bây giờ Hà Nội đã có được một Hội CĐV đúng nghĩa.

Hơn 2.000 hội viên

Contras Hà Nội duy trì và hoạt động chủ yếu dựa trên tinh thần “tự lực cánh sinh”. “Nhiều người nghĩ đội bóng chi tiền cho chúng tôi hoạt động, nhưng thực tế không phải như vậy. Phía CLB, đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội rất hoan nghênh tinh thần cũng như tạo mọi điều kiện cho Contras hoạt động. Tuy nhiên, CLB chỉ hỗ trợ kinh phí khi chúng tôi có những hoạt động tổ chức sự kiện và in ấn băng rôn” - Đức chia sẻ.

Cho đến hiện tại, tất cả những chiếc áo, chiếc khăn, các CĐV đều tự bỏ tiền ra mua để đến cổ vũ đội bóng. Đến mùa giải 2018, CLB đã hỗ trợ hội bằng cách cho Ban điều hành được khai thác khu vực khán đài B. Hội đã tiến hành đăng ký thẻ thành viên, khán giả khi gia nhập Contras, có thẻ sẽ được đến sân nhà theo dõi đội bóng thi đấu cả mùa giải với mức phí đăng ký là 250.000 đồng/người. Điều này giúp cho Hội có nguồn kinh phí hoạt động, đồng thời có được một lượng CĐV ruột cả mùa giải.

Trung Đức cho biết, từ khởi điểm ban đầu 15 thành viên, hội đã phát triển lên đến 300-400 thành viên sau 3 năm hoạt động. Tuy nhiên, đến mùa giải 2018, số thành viên đã tăng đột biến lên đến hơn 2.000 và thậm chí vẫn có nhu cầu gia tăng. Sở dĩ việc tăng đột biến lượng thành viên như vậy chính là nhờ hiệu ứng U.23 Việt Nam mang lại. Contras Hà Nội nhận được sự quan tâm của nhiều em nhỏ, và khi đăng ký cho con em mình làm thành viên, các phụ huynh cũng đăng ký luôn thẻ thành viên.

Điều đặc biệt của Contras Hà Nội từ khi thành lập đến thời điểm hiện tại quy tụ những người trẻ, đó là điểm khác biệt so với trước đây khi NHM các đội bóng thủ đô như Thể Công hay Công an Hà Nội đều là những người trung niên hoặc cao tuổi. Theo thống kê của hội thì có đến 80% các bạn trẻ là người Hà Nội, số còn lại là các thành viên đến từ các tỉnh lân cận phía Bắc. Đây cũng là điều đã khiến cho Contras Hà Nội phát triển mạnh mẽ về mặt phong trào trong những năm qua.

Đi tìm sự thừa nhận

Từ mùa giải 2017, CLB Hà Nội đã lấy màu tím làm màu chủ đạo của đội bóng và đấy cũng là màu của áo đấu sân nhà. Thực tế thì điều này xuất phát một phần từ Contras Hà Nội, bởi chính Hội CĐV là những người đã sử dụng màu sắc chủ đạo này trước khi đội bóng chính thức chuyển từ màu vàng truyền thống sang màu tím “thủy chung”. Và rồi khi sắc tím được thừa nhận, hình ảnh Contras trên các khán đài cũng đã có được tiếng nói chung với nhóm CĐV cũ.

Nguyễn Trung Đức chia sẻ, sau gần 4 năm ra đời, điều mà Contras Hà Nội mong muốn nhất là truyền lửa được cho tất cả những người trẻ, những người dân thủ đô dành tình yêu nhiều hơn cho đội bóng. Cũng chính vì vậy, trên facebook cá nhân của mình, Đức đã lấy tên “Chảo lửa” như một sự nhắc nhớ về tinh thần và sức sống của Contras Hà Nội.

Từ khi ra đời đến nay, Contras Hà Nội đã được Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội cũng như các cầu thủ, ban huấn luyện thừa nhận. Tuy nhiên, các CĐV vẫn muốn có một sự thừa nhận bằng văn bản, giấy chứng nhận chính thức. Bởi lẽ sau gần 4 năm thành lập, Contras Hà Nội đã hoạt động có tổ chức, bài bản nên cũng cần một sự thừa nhận chính thống. Nếu như suốt 10 năm nay, ông bầu Đỗ Quang Hiển biết nhiều đến những CĐV “áo vàng” thời kỳ đầu theo đội thì bây giờ chính các thành viên của Contras Hà Nội cũng mong muốn họ được ông bầu… thừa nhận.

Cầu thủ chính là những người tạo ra cảm xúc trên sân bóng cho các CĐV. Cũng chính họ sẽ là những người gìn giữ tình yêu sau sân cỏ. Việc các cầu thủ gần gũi hơn nữa với CĐV chính là điều tất cả Contras Hà Nội mong muốn.

Thói quen sau mỗi trận đấu, các cầu thủ chạy đến tri ân khán giả mới xuất hiện từ hai mùa giải gần đây. Điều đó cũng xuất phát từ tâm tư của Trung Đức và các CĐV đến Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội. Ban đầu các cầu thủ còn chưa quen, thậm chí là ngại ngùng, nhưng sau này thì đã hình thành một thói quen như một nét văn hóa. Và việc cầu thủ đến gần hơn nữa với số đông CĐV chính là sự gắn kết cần thiết mà những thành viên Contras Hà Nội luôn mong muốn. Đấy chính là động lực mà tình yêu bóng đá mang lại.

“Nếu như trước đây, các cầu thủ chỉ có suy nghĩ thi đấu vì ông bầu và vì nghề nghiệp của mình thì bây giờ, họ còn những khán giả trung thành để làm nguồn động lực. Dành tình cảm cho khán giả và nhận lại những sự tri ân cũng là điều sẽ khiến bóng đá phát triển bền vững hơn” - Trung Đức cho biết.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/hanh-trinh-di-tim-su-thua-nhan-cua-cdv-ha-noi-604569.ldo