Sở Y tế Đà Nẵng vào cuộc vụ cấy que tránh thai thất bại

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới có bài phản ánh Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà cấy que tránh thai thất bại khiến sản phụ bị có thai và phải phá bỏ, sức khỏe sản phụ sau đó suy giảm với nghi vấn que tránh thai còn trong cơ thể; lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo kiểm tra và làm rõ.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.Đà Nẵng làm việc với phóng viên.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.Đà Nẵng làm việc với phóng viên.

Que tránh thai không còn trong cơ thể

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm đã chỉ đạo Phó giám đốc phụ trách mảng và Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình kiểm tra vụ việc và báo cáo cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Xuân, bác sỹ chuyên khoa 1, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.Đà Nẵng đã làm việc với Một Thế Giới về vấn đề này.

Bà Xuân cho hay, sau khi nhận được thông tin từ bài viết và sự chỉ đạo từ lãnh đạo đã cho kiểm tra lại thông tin từ chị La Thị Liên, người được cấy que tránh thai cũng như hồi cứu quá trình cấy que, quy trình làm việc của ekip bác sỹ Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà, công tác tuyên truyền của đội ngũ cộng tác viên dân số-kế hoạch hóa gia đình ở địa phương…

“Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định quá trình cấy ghép que tránh thai cho chị Liên của bác sỹ trung tâm y tế Sơn Trà là đúng quy trình. Việc hướng dẫn, khuyến cáo và tư vấn cho chị Liên trước, trong, và sau khi cấy que cũng đã được bác sỹ Lâm, trưởng Khoa Sản Trung tâm Y tế Sơn Trà thực hiện đúng”.

Về người được cấy que, bà Xuân cho hay: “Chúng tôi đã làm việc và xác nhận, chị Liên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đã 3 lần sinh mổ gần nhau và tuổi đời còn trẻ. Sau khi cấy que, về nguyên tắc, khoảng 1 tuần sau khách hàng phải tự đi tái khám nhưng chị này không lên”.

Bà Xuân khẳng định que tránh thai không còn nằm trong cơ thể chị La Thị Liên- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Bà Xuân khẳng định, que tránh thai được cấy vào tay chị Liên đã rơi vào trạng thái thất bại, nằm trong khung cho phép của kỹ thuật y khoa. “Về chuyên môn y khoa, tôi, bà Nguyễn Thị Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.Đà Nẵng khẳng định que tránh thai không còn nằm trong người chị Liên nữa”, bà Xuân tuyên bố.

Nhận định về việc que tránh thai ‘rơi vào trạng thái thất bại’, bà Xuân cho biết nó đã rơi ra. “Que này cấy dưới da phần trong bắp tay. Nó không thể chạy đi đâu được hết”. Từ thất bại cấy que, chị Liên đã bị có thai ngoài mong muốn, điều này nguy hiểm với tính mạng cả mẹ lẫn con nếu tiếp tục giữ thai nhi vì chị này đã 3 lần sinh mổ kế tiếp trong thời gian ngắn.

Do đó, sự cố y khoa buộc sản phụ chỉ được lựa chọn phá bỏ thai cũng được bà Xuân cho biết đúng quy trình. “Trong tỉ lệ thất bại cho phép trong biện pháp tránh thai thì đơn vị y tế có quyền tư vấn loại bỏ. Việc nạo hút thai dưới 7 tuần tuổi chủ trương nhà nước không cấm. Việc này để đảm bảo tính mạng cho sản phụ và gia đình sản phụ đã ký vào giấy đồng ý cho hút thai. Trung tâm Y tế Sơn Trà đã làm theo yêu cầu của gia đình”, bác sỹ Xuân nói.

Về việc chị Liên cho rằng sau khi nạo phá thai, kinh nguyệt rối loạn, người mệt mỏi, đau đầu, sức khỏe sa sút cho đến nay; bà Xuân cho biết đó là do bệnh nhân cơ thể suy nhược, thiếu máu và những hội chứng kèm theo sau sản khoa.

Để giải quyết vụ việc, bác sỹ Xuân cho biết Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã mời chị Liên lên và tiến hành siêu âm tổng quát, siêu âm cánh tay trái, siêu âm tử cung phần phụ, chụp MRI cánh tay trái, chụp nhũ ảnh đều không phát hiện thấy que cấy.

Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cũng cho biết sau khi đã khẳng định que tránh thai không còn trong người đã giải thích cho chị Liên là cơ thể bị suy nhược, thiếu máu và cho thêm thuốc bổ, kháng sinh để uống. Trung tâm cũng yêu cầu khi chị Liên có vấn đề gì thì đến Trung tâm Y tế quận Sơn Trà để thăm khám, điều trị; nếu có vấn đề gì quá khả năng thì sẽ giới thiệu lên Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản để được chăm sóc.

Bài học của ngành

Từ trường hợp của chị Liên, bà Xuân khuyến cáo người dân khi thực hiện các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa cần phải thực hiện đúng theo quy trình, nghiên cứu kỹ các hướng dẫn để chủ động tránh được những sự cố không mong muốn.

Về trách nhiệm của ngành y tế qua vụ việc này, bà Xuân cũng thừa nhận ‘có cái lỗi của mình’: “Đây là bài học mà tôi sẽ chỉ đạo cho các cơ sở y tế phải tư vấn kỹ cho người dân, khách hàng cũng như nâng cao công tác truyền thông đến với khách hàng”.

Bà Xuân thừa nhận, việc chị Liên hoang mang không biết que tránh thai chạy lạc trong người hay rơi ra là đúng khi công tác tuyên truyền, giải thích của cán bộ truyền thông và các bác sỹ ở Trung tâm Y tế Sơn Trà chưa tới nơi tới chốn.

Ngay cả ông Phạm Hồng Nam, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà khi trả lời báo chí vẫn lấp lửng với 2 giả thuyết là que cấy có thể rơi ra hoặc vẫn đang nằm trong cơ thể thì những người dân bình thường không bao giờ có thể an tâm được.

“Anh Nam chuyên khoa Ngoại, tôi đã gọi điện nói với ảnh nếu như trường hợp mà ảnh trả lời báo chí chưa rõ lắm về vấn đề này thì tại sao không hỏi tôi, tôi sẽ giải thích cụ thể. Rất tiếc là anh Nam không gọi cho tôi”, bà Xuân nói và thừa nhận việc ông Nam nói ‘nước đôi’ như vậy là dễ gây hoang mang.

Theo bà Xuân, trong vụ việc này, ngoài ý thức trong thực hiện đúng các quy trình của người dân chưa tốt thì công tác tuyên truyền và giải quyết sự việc của ngành y tế cũng có lỗi.

“Năm 2016, tỉ lệ người dân tham gia cấy que tránh thai của chúng tôi đã vượt chỉ tiêu. Mà năm nay chúng tôi được giao 400 que. Tôi cứ nghĩ như vậy là ý thức phòng tránh thai, kế hoạch hóa của người dân đã tăng cao và chủ động. Nhưng qua trường hợp chị Liên mới thấy công tác truyền thông kế hoạch hóa gia đình chưa được tốt. Tôi đang đề nghị cán bộ cấp dưới làm báo cáo cụ thể tại sao những trường hợp như thế này lại không báo cáo ngay để xử lý”, bà Xuân cho hay.

“Tới đây, tôi sẽ có báo cáo đề nghị lên Sở Y tế tăng cường hơn nữa cho công tác vận động nhận thức của người dân cũng như năng lực của cán bộ y tế, cán bộ chuyên môn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình”.

Như Một Thế Giới đã thông tin, chị La Thị Liên (SN 1990, trú tổ 34, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) sau khi được giới thiệu lên Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cấy que tránh thai thì khoảng 9 tháng sau đó đã phát hiện có thai.

Tháng 12.2015, chị lên trung tâm này đề nghị hút thai khi đã 7 tuần tuổi vì người mẹ tuổi còn trẻ nhưng đã 3 lần sinh mổ 3 đứa con tuổi sát nhau, hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể nuôi nổi. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã tiến hành hút thai và chụp tìm que tránh thai cho chị Liên nhưng không thấy; do đó kết luận que đã rơi ra ngoài.

Từ sau khi phá thai, sức khỏe chị Liên giảm sút với nhiều triệu chứng mệt mỏi, kinh nguyệt rối loạn, đau đầu…Qua thăm khám nhiều bệnh viện, chị Liên được biết khả năng que tránh thai vẫn còn nằm trong cơ thể.

Vì nhà quá nghèo, không có tiền để đi thăm khám bằng những phương tiện y khoa có giá đắt đỏ hòng dứt điểm câu hỏi còn que tránh thai trong người hay không, chị Liên đã đề nghị Trung tâm Y tế quận Sơn Trà hỗ trợ tạo điều kiện nhưng không được đáp ứng.

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới làm việc về vấn đề này, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã tiến hành hỗ trợ chị Liên đi chụp khám bằng các hình thức chụp MRI, chụp nhũ ảnh, siêu âm tổng quát.

Ngành y tế Đà Nẵng đã đưa ra kết luận cuối cùng là que tránh thai không còn trong cơ thể chị Liên và có những hỗ trợ về thuốc men và các phương pháp khác nhằm giúp chị này phục hồi sức khỏe.

“Tôi đã mất đi đứa con không mong muốn. Sức khỏe giảm sút và nỗi ám ảnh que tránh thai còn nằm trong cơ thể trong thời gian dài khiến tôi và gia đình hoang mang nay cũng phần nào được giải đáp. Tôi cũng muốn mọi chuyện qua nhanh để lấy sức làm ăn nuôi 3 đứa con nheo nhóc. Tôi xin cảm ơn ngành Y tế Đà Nẵng và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã tạo điều kiện giúp đỡ”, chị La Thị Liên nói.

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/so-y-te-da-nang-vao-cuoc-vu-cay-que-tranh-thai-that-bai-43547.html