Sợ trách nhiệm, lãnh đạo doanh nghiệp kéo lùi tiến độ cổ phần hóa

Chiều nay, 29/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về một số quy định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại DN.

Quang cảnh họp báo.

Chưa hết e ngại

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính thống kê cho biết, tính tới giữa tháng 6 năm nay, mới có 19 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Tiến độ chậm hơn so với năm trước và cũng chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Hoạt động thoái vốn ngoài ngành của các DNNN cũng chậm.

Chia sẻ nguyên nhân, ông Tiến cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như số vốn lớn, thị trường còn khó khăn chưa hấp thụ được thì chủ yếu vẫn do chính lãnh đạo DN chần chừ và e ngại. Số DN đang CPH có số vốn khá lớn, lại phức tạp, khi “dỡ ra” để CPH sẽ phải động chạm đến trách nhiệm của các lớp lãnh đạo trước đó, do vậy, có tư tưởng sợ, né tránh trách nhiệm ở các DN này.

Một vấn đề được các phóng viên đặt ra với lãnh đạo Cục Tài chính DN là xử lý các DN chây ì lên sàn. Đây là việc đã được nhắc tới nhiều trước đó và cơ quan chức năng hứa sẽ công khai và xử lý những DN này. Tuy nhiên, tới hiện tại, danh sách này vẫn chưa được công bố.

Trả lời, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh, hiện cơ quan chức năng vẫn đang rà soát để đảm bảo thực sự “đúng người đúng việc” khi công khai. Bởi theo ông, có thể do DN nộp thiếu hồ sơ và có lý do chính đáng chứ không phải cố tình.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm công khai các DN chậm lên sàn, có thể ngay trong tháng 6/2017. Sau khi công khai, bộ phận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán sẽ chiếu theo danh sách đó để xử phạt theo pháp luật.

Sẽ thu về phần cổ tức

Liên quan đến vấn đề quản lý vốn Nhà nước tại DN, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Cơ quan này vừa đưa ra đề xuất bổ sung trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, với việc xử lý cổ tức, lợi nhuận, người đại diện vốn Nhà nước tại DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận, người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Đề xuất trên là bài học từ chuyện ngân hàng đòi tăng vốn để giữ lại phần lợi nhuận trong khi Bộ Tài chính lại đòi thu về. Câu chuyện này đã được nhắc tới nhiều hồi năm ngoái với việc Bộ Tài chính “đòi” cổ tức tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Theo ông, điều này cần được quy định rõ, muốn chia cổ tức, lợi nhuận thì cần ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính. Điều này nhằm tránh trường hợp một số người đại diện vốn Nhà nước tại DN có thể vì lợi ích DN mà bỏ phiếu giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho DN trong khi chính DN đó lại trong diện Nhà nước không cần nắm giữ.

Trường hợp khác, có DN khi chia cổ tức chỉ chia cho cổ đông nhỏ, cổ đông Nhà nước thì không chia vì cổ đông nhỏ “có cả người điều hành, có cả giám đốc”. Việc bổ sung Bộ Tài chính tham gia ý kiến trong chia cổ tức được ông Tiến lý giải thêm bởi đó là phần thu về ngân sách và Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi cũng như cho phép sử dụng như thế nào.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/so-trach-nhiem-lanh-dao-doanh-nghiep-keo-lui-tien-do-co-phan-hoa.aspx