Sổ tay kinh tế: Dẫn nhau vào 'cửa tử'

Suốt nửa tháng qua, dư luận cả nước râm ran việc “giải cứu” thịt heo ở khắp các địa phương, cơ quan chức năng… khi giá thịt heo sụt giảm thê thảm, mỗi ký thịt heo chỉ từ 20 - 23 ngàn đồng.

Miền Đông Nam bộ, nơi được coi là trung tâm chăn nuôi lớn nhất nước, hàng trăm ngàn nông dân nuôi heo đã khóc ròng, vì giá bán không đủ bù đắp nổi chi phí chăn nuôi… Việc chính quyền, cơ quan chức năng kêu gọi nhà nhà dùng thịt heo, vận động cả những Cty lớn có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng lượng thịt trong bữa ăn cho hàng vạn công nhân, nhằm giúp người nông dân… Không phủ nhận việc “giải cứu” trên là một trong những cách hiệu quả.

Tuy nhiên, ngẫm lại, có gì không bền vững, nếu cứ mãi “giải cứu” theo cách “van xin” mọi người, mọi nhà ăn nhiều thịt heo như thế này. Cách đây không lâu, hàng ngàn nông dân ở Quảng Ngãi trồng dưa hấu dư thừa, không tiêu thụ hết, giá dưa rẻ như cho; thậm chí, người ta còn bỏ luôn dưa thối rữa trên ruộng đồng (vì tiền công thu hoạch dưa còn lớn hơn tiền bán dưa, thì thu hoạch làm gì)…

Thế là nhà nhà, người người từ Hà Nội đến TPHCM hô hào “giải cứu” dưa hấu cho nông dân Quãng Ngãi… Và, cách đây 2 năm, chuyện nông dân Bắc Giang tồn đọng hàng trăm ngàn tấn vải thiều, sau khi thương lái Trung Quốc ngừng nhập khẩu vải VN. Cả nước cũng rầm rầm kêu gọi người dân tăng cường ăn vải để… “giải cứu” vải thiều cho nông dân Bắc Giang...

Không phải ngẫu nhiên, có người đặt câu hỏi: Chẳng lẽ mỗi hàng hóa sản xuất thừa mứa như kể trên, cả xã hội lại hô hào “giải cứu” bằng cách ăn thật nhiều, xài tối đa loại hàng hóa đó? Nếu cứ “giải cứu” thế này, sẽ còn “giải cứu” cái gì đó nữa, “giải cứu” dài dài và không còn khả năng đâu để mà tính đến chuyện làm ăn lớn lao hơn.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Cty cổ phần Hùng Nhơn (Bình Phước) - nói: “Điều quan trọng là Nhà nước, các cơ quan chức năng phải thay đổi cái tư duy cố hữu trong đầu người nông dân lâu nay là trồng trọt, chăn nuôi theo… phong trào. Phải “dạy” họ trồng cây gì, nuôi con gì mà thị trường cần, ở một phạm vi cung ứng vừa đủ. Chứ không thể trồng trọt, chăn nuôi mất định hướng, dẫn tới cùng nhau… lâm cửa tử như hiện nay”.

Còn ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều VN - thì cho rằng: “Lỗi trước tiên là các bộ, ngành trung ương lâu nay đã thiếu một chiến lược quy hoạch, khai thông, phân phối hàng hóa trên thị trường, nên dẫn tới người nông dân rơi vào vòng luẫn quẫn, sản xuất ra hàng hóa mà không có đầu ra để tiêu thụ. Một nền kinh tế thị trường là phải để cho mọi giao dịch, phân phối, lưu thông hàng hóa diễn ra tự nhiên theo quy luật của kinh tế thị trường. Chứ không thể cứ hết “giải cứu” này đến “giải cứu” khác, thì biết đến bao giờ, nền kinh tế VN mới thật sự “lớn”, thật sự trưởng thành?”.

Đông Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/so-tay-kinh-te-dan-nhau-vao-cua-tu-665326.bld