Sổ tay kinh tế: Ăn xổi, ở thì

Câu chuyện 'giải cứu' nông sản gần đây rộ lên và dần có xu hướng trở thành 'chuyện thường ngày ở huyện'.

Trong thực tế, hiện tượng này không phải bây giờ mới có, mà từ nhiều năm trước, nhiều sản phẩm như cà phê, dừa, caosu, mía đường… cũng từng lâm vào cảnh khốn đốn vì thị trường khủng hoảng thừa. Nhiều nơi, nông dân phải chặt bỏ loại cây công nghiệp chủ lực nói trên để trồng loại cây khác ngắn ngày, dễ tiêu thụ hơn…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được biết, gần như các sản phẩm nông, lâm, thổ sản phát triển nuôi, trồng ở quy mô công nghiệp của nước ta, hiện nay bán ra thị trường hay xuất đi các nước đều đang ở dạng thô, tươi. Vì vậy, không cần kiến thức sâu cũng biết, chỉ cần một động tác “đóng cửa” biên giới ở đâu đó, là nông dân và doanh nghiệp lập tức nghiêng ngã bên bờ vực phá sản, nợ nần. Lấy caosu làm ví dụ: Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, khối lượng xuất khẩu caosu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 353 nghìn tấn; và còn vui hơn giá caosu tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2016 (hơn 2 ngàn USD/tấn). Vì vậy thay vì chặt bỏ như các năm trước, bà con khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ lại rục rịch phát triển lại giống cây thổ sản này.

Hiện thị trường Trung Quốc, chiếm đến hơn 63% khối lượng xuất khẩu sản phẩm caosu, vượt Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai nhập caosu VN đến hơn 150% và gấp 200% là Malaysia, nước đứng thứ 3 nhập loại sản phẩm này. Từ cách đây hai năm (2015), diện tích caosu của cả nước đã đạt xấp xỉ 1 triệu ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn, đứng thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới. Ở vị trí cao như vậy, nhưng oái ăm, hiện hơn 80% sản phẩm caosu của nước ta đều xuất ở dạng nguyên liệu (mủ caosu) và thị trường nhập khẩu (hay chính xác hơn là Trung Quốc), vẫn quyết định sự thành bại của công nghiệp caosu Việt Nam.

Hiện tượng này thật khó nghĩ, vì cây caosu du nhập vào nước ta từ những năm Pháp thuộc, sau đó phát triển mạnh mẽ ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và giữ vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nước nhà. Thế nhưng đến nay sau bảy, tám mươi năm, công nghiệp caosu gần như như không có thay đổi gì đáng kể, so với trước, nghĩa là vẫn trồng, thu hái và bán nguyên liệu thô, chứ hầu như chưa định hình nền công nghiệp phụ trợ.

Và không chỉ vậy, sản phẩm thổ sản tiêu, điều, cà phê, mía đường... cũng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có vùng nguyên liệu lớn, nhưng đến nay vẫn trắng công nghiệp chế biến, nhằm làm tăng giá trị sản phẩm, góp phần chủ động về đầu ra… Nếu cứ giữ mãi nếp nghĩ “ăn xổi, ở thì”, ăn tươi, bán thô, thì tin rằng, câu chuyện “giải cứu” nông thổ sản rồi cứ phải kéo dài bất tận, cùng nền công nghiệp mãi mãi cúi đầu đi gia công cho nước ngoài.

Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/so-tay-kinh-te-an-xoi-o-thi-673718.bld