So sánh tàu sân bay Trung Quốc với siêu tàu sân bay Mỹ

Tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc có một điểm yếu mà Mỹ đã khắc phục được từ lâu.

Đường băng của tàu sân bay Trung Quốc bị lạc hậu?

Ngày 26/4, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Trước đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc đã mất nhiều ngày để chuẩn bị cho lễ hạ thủy, diễn ra sau lễ kỷ niệm 68 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng tàu sân bay này tới năm 2020 mới có thể đưa vào sử dụng. Hiệ con tàu đang được hoàn thiện và trang bị vũ khí.

Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận về sự tồn tại của hàng không mẫu hạm này vào cuối năm 2015. Chương trình phát triển tàu sân bay là bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Đây là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, tạm thời được đặt tên là Type 001A. Tàu Type 001A có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, có đường băng kiểu “nhảy cầu” với phần mũi dốc khoảng 12 độ, giúp máy bay có thời gian tăng tốc khi rời tàu sân bay.

Nhưng kiểu đường băng “nhảy cầu” có khá nhiều nhược điểm và tương đối lạc hậu. Với kiểu đường băng này, máy bay không thể mang tối đa nhiên liệu, vũ khí và khó triển khai những máy bay cánh cố định có trọng lượng lớn.

Do Type 001A chỉ có một đường bay nên các chiến đấu cơ phải lần lượt xuất phát. Hay nói cách khác, nhiều máy bay không thể phóng cùng một lúc trên tàu Type 001A. Điểm bất lợi này được thể hiện rõ nét trong những tình huống chiến đấu khẩn cấp.

Công nghệ mà duy nhất Mỹ làm chủ trên siêu tàu sân bay

Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ USS Gerald Ford được trang bị hệ thống cất cánh và thu hồi bằng máy phóng điện từ, cho phép phóng nhiều máy bay một lúc. Trên mỗi tàu được trang bị 4 máy phóng kiểu này.

Máy phóng trên tàu Mỹ tương thích với hầu hết các loại máy bay, trong đó có cả máy bay cánh cố định tải trọng lớn, điển hình là máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye. Loại máy phóng hiện đại cho phép máy bay có thể mang tối đa nhiên liệu và vũ khí, giúp tăng hiệu quả tác chiến.

Trên thế giới, Mỹ hiện là quốc gia duy nhất làm chủ công nghệ máy phóng này. Vì vậy, các chuyên gia quân sự khẳng định chiếc tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc chỉ vẫn là một thành tựu khiêm tốn trong công cuộc hiện đại hóa quân đội, xét trong tương quan với “đối thủ” lớn nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đó là hải quân Mỹ.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/infographic-nhuoc-diem-lon-cua-tau-san-bay-trung-quoc-type-001a-a323891.html