Số phận mong manh của TPP

Ưu tiên hàng đầu trong “100 ngày trăng mật” của Tổng thống Donald Trump là loại bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại có ý nghĩa quan trọng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Bộ trưởng các quốc gia tham gia ký kết TPP hồi tháng 2. Ảnh: Getty Images

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21-11 (giờ Mỹ) nêu chi tiết những kế hoạch chính sách ưu tiên trong 100 ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng, trong đó nhắm trọng tâm rút khỏi TPP.

Theo Time, trong đoạn băng ngắn được công bố trên mạng, ông Trump sửa lại một số cam kết trong chiến dịch tranh cử. Trong số những kế hoạch được đề cập, tổng thống đắc cử cam kết sẽ “khôi phục luật pháp và mang công ăn việc làm về cho người Mỹ”. Để làm được như vậy, ông Trump cho biết, ưu tiên hàng đầu là sẽ phải rút khỏi TPP; hủy bỏ các hạn chế về sản xuất năng lượng, trong đó có sản xuất dầu đá phiến, khí đốt, than đá và phát triển kế hoạch để bảo vệ cơ sở hạ tầng của Mỹ. Về kế hoạch chống người nhập cư, ông Trump cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Lao động “điều tra tất cả những vụ lạm dụng chương trình thị thực vào Mỹ”.

Nói về lời hứa cho chiến dịch “drain the swamp” (thoát khỏi đầm lầy) để đưa nước Mỹ thoát khỏi vũng lầy kinh tế, ông Trump cho biết sẽ ban hành lệnh cấm các quan chức điều hành trở thành những người vận động hành lang trong 5 năm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong tuyên bố lần này của tổng thống đắc cử Trump là “sự biến mất hoàn toàn” của cam kết xây dựng bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico và bãi bỏ đạo luật y tế Obamacare – những cam kết vốn là nền tảng mà ông Trump lặp đi lặp lại trong suốt chiến dịch tranh cử.

Dù chưa nhậm chức và tất nhiên còn chưa thể chắc chắn Tổng thống đắc cử Trump sẽ có những quyết sách như thế nào sau ngày 20-1-2017, nhưng việc ông tỏ ra kiên quyết “tiêu diệt” TPP cho thấy rõ số phận đầy long đong của hiệp định thương mại này. TPP có sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có các ông lớn như Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản. Thỏa thuận này chính thức được các bộ trưởng 12 quốc gia ký kết hồi tháng 2-2016 sau hơn 5 năm đàm phán. TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Khi có hiệu lực, TPP sẽ giúp xóa bỏ hàng ngàn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động.

Nhưng nếu không có sự tham gia của Mỹ, TPP khó có thể “sống sót”. Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Buenos Aires, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ lo ngại, TPP sẽ không có ý nghĩa nếu Mỹ không tham gia.

Tuy nhiên, việc Mỹ sẽ không tham gia TPP lại khiến Trung Quốc mở cờ trong bụng. Vì sao vậy? Trên thực tế, dù là thỏa thuận thương mại quan trọng của các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, giúp viết lại các quy tắc thương mại cho khu vực năng động này, Trung Quốc không tham gia TPP. Ngoài ra, TPP cũng là phần cốt lõi của chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama.

Giờ đây, với tuyên bố của ông Trump, Bắc Kinh có thể thoải mái dọn đường thúc đẩy thỏa thuận thương mại do nước này dẫn đầu được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP). Ngay lập tức, trong ngày 22-11, Bắc Kinh tuyên bố hy vọng sớm đạt kết quả trong các cuộc đàm phán về RCEP. RCEP hội tụ 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật, Hàn, Ấn, Australia và New Zealand, nhưng loại trừ Mỹ.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_158044_so-pha-n-mong-manh-cu-a-tpp.aspx