Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp liên tục gia tăng

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm phối hợp công tác thông tin và truyền thông về sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) tổ chức ngày 19.6. Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) cho biết, số lượng đơn đăng ký SHCN mới tiếp tục có sự gia tăng trong năm tháng qua.

Ảnh minh họa: T.L

Cụ thể, tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) mới được tiếp nhận là 22.370 (trong tổng số 39.408 đơn các loại được tiếp nhận), tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: 2.056 đơn sáng chế; 145 đơn giải pháp hữu ích; 1.004 đơn kiểu dáng công nghiệp; 19.131 đơn đăng ký nhãn hiệu (15.703 đơn nhãn hiệu quốc gia và 3.428 đơn nhãn hiệu quốc tế nộp qua Hệ thống Madrid); 3 đơn chỉ dẫn địa lý và 31 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (2 đơn sáng chế, 29 đơn nhãn hiệu).

Tính đến ngày 31.5.2017, Cục SHTT đã xử lý 34.535 đơn các loại, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, đơn đăng ký SHCN đã xử lý được là 16.874, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: chấp nhận bảo hộ 12.969 đối tượng SHCN (911 sáng chế, 72 giải pháp hữu ích, 943 kiểu dáng công nghiệp, 11.040 nhãn hiệu (8.462 nhãn hiệu quốc gia và 2.578 nhãn hiệu quốc tế đăng ký thông qua Hệ thống Madrid), 1 chỉ dẫn địa lý, 2 thiết kế bố trí mạch tích hợp); từ chối bảo hộ 3.905 đối tượng SHCN.

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Phí cho biết, trăn trở lớn nhất hiện nay là hiện tượng tồn đơn, việc xử lý đơn chưa đáp ứng yêu cầu gây khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đáng mừng là báo cáo xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 vừa được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam vươn lên vị trí 47 trên 127 quốc gia/nền kinh tế, vượt 12 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 59) nhờ những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh mà trong đó SHTT là một trong các yếu tố quan trọng liên quan đến các chỉ số để đánh giá. Ví dụ như số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế theo nước xuất xứ, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ…

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với việc bảo hộ và khai thác các chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ngày càng hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến 31.5.2017, Việt Nam đã bảo hộ 49 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Trong hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đến nay đã có 34 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ, 11 tỉnh/thành phố có từ 2 CDĐL trở lên.

Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo, còn lại là các sản phẩm khác. Có 05 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là: nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử.

Thời gian tới, phía Cục SHTT sẽ sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược SHTT quốc gia. Tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ; phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành Thông tư hướng dẫn về tài chính thi hành Nghị định về sáng kiến… Đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ để nâng cao tốc độ xử lý đơn đăng ký SHCN…

K.L

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/so-luong-don-dang-ky-so-huu-cong-nghiep-lien-tuc-gia-tang-675029.bld