Số liệu sốc: 90% tai nạn giao thông trẻ em liên quan đến học sinh cấp 3

Theo nghiên cứu của TS. Chu Công Minh, 90% tai nạn giao thông trẻ em liên quan đến học sinh cấp 3.

Những số liệu đáng báo động về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (THPT) đã khiến nhiều người phải giật mình.

Nghiên cứu cho thấy học sinh THPT đang là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn trong số các ca tử vong vì tai nạn giao thông.

Học sinh Thủ đô đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh: Lưu Ly)

TS Chu Công Minh – chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông và các cộng sự đã thực hiện dự án nghiên cứu dưới sự hỗ trợ từ VAMM và Ủy ban ATGT Quốc gia nhằm phân tích và tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Theo nghiên cứu, số liệu về tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới lứa tuổi học sinh cấp 3 cho thấy, tỷ lệ học sinh ở cấp này có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây.

Ba nguyên nhân hàng đầu khiến TNGT trẻ em liên tiếp xảy ra như đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.

Xét các mẫu điều tra dựa trên khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh THPT, có sự khác biệt trong phương thức đi lại giữa học sinh lớp 9 và học sinh THPT.

Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%), thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện với tỉ lệ lên tới 52%.

Sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện– loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50km/h) đã khiến học sinh THPT chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em.

Video: Thanh niên đầu trần, kẹp ba, nghênh ngang du xuân chơi Tết

Dữ liệu của CSGT và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy, “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này.

Tỷ lệ TNGT của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất với khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện.

Như vậy, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện.

Điều đó cho thấy, xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT. Điều này đòi hỏi phải xã hội hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.

Theo kết quả điều tra trong khuôn khổ nghiên cứu, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục an toàn giao thông tại trường học.

Tai nạn liên quan đến học sinh cấp 3 chiếm tỷ lệ cao. (Ảnh: Lưu Ly)

Và cũng trong khảo sát này, gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh THPT cần được học về kỹ năng điều khiển phương tiện. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện các khóa huấn luyện về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học.

Ông Yano Takeshi (Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam) nhận thấy, học sinh THPT thiếu những kỹ năng xử lý tình huống. Vì vậy, các em cần nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường.

“Với bộ giải pháp đột phá và toàn diện mà nhóm nghiên cứu đưa ra, chúng tôi không ngừng nỗ lực để đưa ra một lộ trình thực hiện nhanh chóng nhằm góp phần phát triển môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung”, ông Yano Takeshi nói.

Huyền Nhung

Nguồn VTC: http://vtc.vn/giao-duc/tai-nan-lien-quan-den-hoc-sinh-cap-3-khien-nhieu-nguoi-giat-minh.1-338725.htm