Số hóa - cơ hội lớn cho DN nhỏ và vừa

Coca Cola, Mastercard, 2 doanh nghiệp được mệnh danh là “ông lớn”, đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xu hướng tất yếu khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ.

Áp dụng kỹ thuật số không phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Theo một số chuyên gia, số hóa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam.

Với các doanh nghiệp lớn, việc áp dụng số hóa, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất hoạt động, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn quá mới mẻ. Tuy nhiên, đây lại là những thách thức không nhỏ đối với DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ.

Đây cũng chính là chủ đề chính được thảo luận tại Hội thảo “Số hóa nền kinh tế Việt Nam: Tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường toàn cầu” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Peter Rand, Giám đốc Giải pháp thanh toán thương mại khu vực Đông Nam Á của Mastercard, chi phí kinh doanh là một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay của các DNNVV, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo quy trình truyền thống lâu nay, DNNVV thường sử dụng nhiều giấy tờ, thanh toán theo từng đợt và từng phần, với nhiều mẫu hóa đơn khác nhau... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp từ hiệu suất, chi phí, nhu cầu vốn lưu động, khả năng phát triển doanh nghiệp, vay ngắn hạn, khả năng dự đoán dòng tiền. Chi phí trung bình của mỗi lần giao dịch bằng tiền mặt tiêu tốn tới 86% chi phí không liên quan đến thanh toán như: yêu cầu mua, duyệt đơn, đơn hàng, nhận hàng, hóa đơn, xét lỗi... Chu kỳ thanh toán bằng tiền mặt thường từ 30 đến 120 ngày để đi từ hóa đơn đến thanh toán và thời gian thu tiền hàng trung bình là khoảng 50 ngày, như vậy là quá lâu đối với một DNNVV, đó là chưa kể thời gian thanh toán biên mậu có thể mất tới 1 tuần để xử lý...

Trước khi tính tới việc áp dụng số hóa thì DNNVV nên rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo ông Peter Rand, nếu chuyển sang hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng doanh nghiệp thì chi phí sẽ giảm khoảng 76%. Những lợi ích hữu hình đối với DNNVV là tăng hiệu suất doanh nghiệp và giảm chi phí bởi quy trình thanh toán đơn giản, tinh gọn; giảm nhu cầu vốn lưu động vì tính hiệu quả, minh bạch và dễ kiểm soát; phát triển doanh nghiệp dễ dàng hơn thông qua việc giảm chi phí và nhu cầu vốn. Ngoài ra, đối tác là bên bán cũng sẽ hài lòng hơn nhờ việc thanh toán nhanh gọn, bớt phiền hà.

“Áp dụng kỹ thuật số không phải là quá mới, cũng không phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là việc các DNNVV đã sẵn sàng đón nhận, tiếp cận nó hay chưa”, ông Sunil Singh, Giám đốc Công nghệ thông tin của Coca Cola nhấn mạnh.

Để áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Sunil Singh khuyến nghị, trước khi tính tới việc áp dụng số hóa thì DNNVV nên rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình để làm sao đơn giản hóa và tự động hóa tối đa. Một khi đã áp dụng số hóa thì những số liệu đó phải “biết nói”, phải được sử dụng để phân tích thực tế của doanh nghiệp, từ đó tìm giải pháp để cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn.

Lê Xuân

Lê Xuân

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/so-hoa-co-hoi-lon-cho-dn-nho-va-vua-38655.html