Sở GTVT TP.HCM: Chưa thể giải quyết được kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường thừa nhận một số công trình giao thông vừa khởi công chưa thể giải quyết được ùn tắc giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng 28/7, tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường đã báo cáo về tình hình giao thông 7 tháng đầu năm. Ông Cường thừa nhận một số công trình giao thông vừa khởi công chưa thể giải quyết được ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Phối hợp xử lý ùn tắc có vấn đề

Theo Giám đốc Sở GTVT, quy hoạch đến 2020, Tân Sơn Nhất đón 25 triệu khách và 1 triệu tấn hàng hóa. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại thời điểm đó cũng đã đồng bộ như tuyến metro số 2 hay đường trên cao quanh sân bay. Tuy nhiên, hiện nay, metro số 2 mới trong quá trình giải phóng mặt bằng, đường trên cao vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề nghị nên có sự chuẩn hóa về mặt pháp lý để tạo điều kiện áp dụng công nghệ trong lĩnh vực giao thông. Ảnh: Việt Dũng.

Thực tế cho thấy, đến cuối năm 2017, dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón 36 triệu lượt khách và hơn 1 triệu tấn hàng hóa. “Lượng khách đã vượt xa quy hoạch nhưng hạ tầng thì vẫn rất khó khăn do vậy các giải pháp vừa rồi chỉ giảm được thôi chứ không thể triệt để được”, ông Cường nói.

Liên quan đến việc ùn tắc ở Tân Sơn Nhất vừa rồi, ông Cường cho hay nguyên nhân là do ba vụ tai nạn xảy ra đồng thời. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp xử lý với lực lượng công an TP cũng đang có vấn đề. Trong khi đó ùn tắc sẽ xảy ra theo dây chuyền. Theo Giám đốc Sở GTVT, từ nay tới cuối năm sẽ có 8 công trình đưa vào tháo gỡ ùn tắc giao thông ở các khu vực trọng điểm của TP.

Cầu vượt sân bay chưa hoàn chỉnh nên hiệu quả chưa cao

Còn ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng hai cầu vượt ở cửa ngõ sân bay chỉ là một trong nhóm công trình giảm ùn tắc sân bay. Cầu vượt thép giải cứu nhanh tình hình kẹt xe; tuy nhiên, dự án vẫn chưa hoàn chỉnh nên hiệu quả chưa cao.

Dù cầu vượt thép trước sân bay Tân Sơn Nhất mới hoàn thành nhưng kẹt xe ở khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: Lê Quân.

Theo ông Lâm, tình hình kẹt xe gần đây ở Tân Sơn Nhất không phải tại các nút giao cầu vượt mà kẹt ở khu vực Lăng Cha Cả và đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn. Để giải quyết triệt để tình hình này, Sở sẽ sớm giải quyết nhanh việc mở rộng nút giao khu Lăng Cha Cả và đường song song nối Phan Thúc Duyệt ra Trường Chinh (đường song song Cộng Hòa).

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng các tuyến đường quận Gò Vấp để giải quyết triệt để tình trạng lượng xe "mượn" đường Trường Sơn từ quận Gò Vấp đi về trung tâm TP và ngược lại.

"Sắp tới, Sở sẽ đẩy nhanh dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, hoàn thành cầu vượt nút giao ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Nguyễn Kiệm, hoàn thành dự án nâng cấp đường Phạm Văn Bạch và sớm triển khai tuyến metro số 4", ông Lâm nói.

Các dự án nằm trong nhóm giải pháp giảm ùn tắc giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Minh Trí.

Về giải pháp trước mắt, Sở GTVT sẽ cho lắp camera ở tất cả các điểm nóng nên khi có tai nạn là biết ngay, nhưng do việc xử lý các sự cố còn chậm nên ùn tắc lan rộng ra. Sở đã cùng các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế để giải quyết nhanh sự cố, tránh ùn tắc lan dây chuyền.

Sớm có quy định về đi chung xe

Tại cuộc họp trên, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng nêu quan điểm về vấn đề xe đi chung mà Uber và Grab đang áp dụng. Theo ông Cường, TP.HCM là nơi năng động nhất nên nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển. Hiện nay, Uber và Grab không chỉ dừng ở việc đặt hàng điện tử mà còn mở rộng dịch vụ đi xe chung.

“Đứng trên góc độ giao thông là tốt, hành khách chia sẻ hành trình. Còn ở góc độ pháp lý thì Bộ GTVT chưa cho. Xưa nay theo quy định 1 ôtô chỉ có 1 hợp đồng nhưng nay 1 ôtô có thể có 2 hợp đồng. Nếu có tai nạn thì sẽ có tranh chấp”, ông Cường nói.

Bộ GTVT có văn bản "tuýt còi" dịch vụ xe đi chung của Grab. Ảnh: Grab.

Ngoài ra, có rất nhiều loại hình giao thông có thể đưa vào như xe buýt 2 tầng, xe máy điện hay xe đạp dùng chung. Tuy nhiên, khung pháp lý của các vấn đề này không có. Do vậy, Giám đốc Sở GTVT đề nghị nên có sự chỉ đạo nhằm chuẩn hóa về mặt pháp lý. “Nếu TP.HCM làm tốt thì cả nước sẽ làm theo”, ông Cường nói.

Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi không được thực hiện dịch vụ GrabShare đối với xe hợp đồng. Bộ cũng yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Mức phạt cho lỗi vi phạm khi cố tình cung cấp dịch vụ đi chung là 4-6 triệu đồng. Bị cấm hoạt động nhưng thực tế dịch vụ đi xe chung này vẫn diễn ra bình thường và đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng.

Hà Hương - Việt Dũng - Phước Tuần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/so-gtvt-tphcm-chua-the-giai-quyet-duoc-ket-xe-o-san-bay-tan-son-nhat-post766657.html