Sở giáo dục Hải Dương vẫn quyết làm trái chủ trương của Bộ

Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương vừa có công văn phản hồi gửi Báo điện tử giáo dục Việt Nam về việc thông tin lãnh đạo làm trái chỉ thị của Bộ.

Tiếp thu ý kiến phản ánh của quý Báo

Sau khi, đăng tải bài viết Lãnh đạo Sở giáo dục Hải Dương làm sai chỉ thị của Bộ , ép thi học sinh giỏi, ngày 23/02/2017, Sở Giáo dục Hải Dương đã có công văn số 158/SGDĐT-VP gửi Báo điện tử giáo dục Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc ký phản hồi về sự việc này.

Trong công văn, Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương cũng gửi lời cảm ơn và tiếp thu ý kiến của báo nêu đồng thời có ý kiến về sự việc trên.

Công văn tiếp thu ý kiến báo nêu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề ngày 23/02/2017. Ảnh Trần Việt

Cụ thể, Sở giáo dục Hải Dương cho biết: Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ các năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã triển khai hướng dẫn các đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng với chỉ đạo của Bộ.

Tại mục VII, Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã nêu rõ:

Khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh về các lĩnh vực giáo dục: Liên hoan tiếng hát dân ca, Robotics, giao lưu tìm hiểu An toàn giao thông, Olympic cấp học, các hoạt động giao lưu tiếng Anh cho giáo viên và học sinh ở các địa phương.

Olympic môn học, Olympic Toán qua mạng, Internet, Olympic tiếng Anh qua mạng Internet, giao lưu bơi cho học sinh khối 4,5… trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập của học sinh tiểu học.

Khi tham gia các sân chơi trí tuệ, các hội thi, giao lưu…, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các nhà trường không được thành lập đội tuyển, không tổ chức ôn luyện tập huấn gây áp lực và căng thẳng cho học sinh; Không giao chỉ tiêu, không lấy thành tích của các hoạt động giao lưu làm tiêu chí để xét thi đua các đơn vị có học sinh tham gia.

Quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 5105 CT-BGDĐT ngày 03/1102014 cũng như hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên trong công văn số 94/SGDĐT-GDTH ngày 09/02/2017 có một số từ ngữ sử dụng chưa ró ý và trong thực tế chỉ đạo chúng tôi nhận thấy chưa làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về quan điểm, mục đích, ý nghĩa của các cuộc giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ nên có thể làm một số người hiểu sai tính chất hoạt động giao lưu này trong các nhà trường.

Trong thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đổi mới công tác tổ chức đồng thời hướng dẫn các đơn vị về nội dung hình thức giao lưu để thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng vẫn “cố tình” làm sai chỉ thị của Bộ

Trước đó, ngày 22/02/2017, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương để làm rõ những nội dung liên quan đến việc tổ chức các cuộc giao lưu và sân chơi trí tuệ.

Trong buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết thông tin mà bài báo nêu là hoàn toàn chính xác và thừa nhận Sở cũng đã ban hành các văn bản liên quan đến việc tổ chức các cuộc giao lưu, sân chơi trí tuệ nhưng dựa trên việc nghiên cứu rất kỹ những văn bản mà Bộ đã ban hành.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Hải Dương trong buổi làm việc với phóng viên về vấn đề ban hành nhiều văn bản sai với chỉ thị của Bộ (bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở, áo trắng, ngồi giữa). Ảnh Trần Việt.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ thị số 5105CT-BGDĐT ngày 03/1102014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học trong đó nêu rất rõ là không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Vậy, tại sao Sở vẫn ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức việc này?

Bà Hiền giải thích:“Trong tất cả các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục thì trong một số hoạt động khác thì có nói là khuyến khích tổ chức các hoạt động phát triển năng lực của học sinh các lĩnh vực giáo dục, giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, liên hoan tiếng hát dân ca… giao lưu tiếng Anh cho giáo viên, học sinh trên cơ sở tự nguyện của nhà trường.

Trên cơ sở đó thì Sở Giáo dục khi hướng dẫn các cuộc giao lưu này

đều nhấn mạnh là trên cơ sở tự nguyện của nhà trường và phụ huynh học sinh. Trong nội dung thì chúng tôi cũng bám sát tâm sinh lý của lứa tuổi các em học sinh. Có thể khi ban hành văn bản có một số từ ngữ không được truyền đạt rõ ràng, hết ý nên nhiều khi họ hiểu nhầm thôi.”

Tiếp tục đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương về việc tổ chức các cuộc giao lưu thế này thì kinh phí được lấy từ đâu?

Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hải Dương, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Dựa trên cơ sở xã hội hóa. Phụ huynh học sinh, các công ty muốn vào dạy DEMO liên kết tiếng Anh tại các nhà trường đóng góp, ủng hộ nhưng trên cơ sở hết sức tiết kiệm, nếu nói đến kinh phí thì buồn cưới lắm tại vì nó không nhiều, mỗi cuộc chỉ hết vài triệu thôi.”

Cũng tại buổi làm việc, phóng viên đã đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương nên nghiên cứu, xem xét lại việc tổ chức các cuộc giao lưu, sân chơi trí tuệ này.

Vì sau khi đăng tải bài viết liên quan đến vấn đề tổ chức các buổi giao lưu, sân chơi trí tuệ đối với học sinh tiểu học đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên và phụ huynh mong muốn bỏ các cuộc giao lưu, sân chơi trí tuệ này.

Bởi lẽ, mỗi lần tham gia các buổi giao lưu, giáo viên và học sinh chịu rất nhiều áp lực, nếu để học sinh của trường mình kém hơn các trường khác thì không được nên phải ra sức ôn luyện cho các em.

Độc giả Ngọc Mai bình luận: Quá nhiều hội thi, trạng nhí tiếng Anh

lớp 2, Violympic Toán từ lớp 1 đến lớp 5, tiếng Anh thông minh OSE, IOE. Tài năng tiếng Anh lớp 4, lớp 5. Tìm hiểu kiến thức An toàn giao thông..., tất cả từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh.

Giáo viên thì vừa phải lo bài dạy trên lớp, vừa lo bồi dưỡng học

sinhtham gia các hội thi sao cho có kết quả (nếu kết quả thi không bằng lớp bạn, trường bạn thì trong các cuộc họp bị nhắc nhở lên xuống, áp lực đủ phía).

Giáo viên quay cuồng với dạy học và ôn thi, không còn thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Việc nhà thì bỏ bê, lúc nào cũng phải gồng mình để hoàn thành công việc. Học sinh thì mệt mỏi, phải tham gia chồng chéo nhiều hội thi, bơ phờ. Nhìn mà tội!

Tuy nhiên, trong buổi làm việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương vẫn “cố tình” giải thích, cho rằng việc ban hành văn bản tổ chức các buổi giao lưu, sân chơi trí tuệ là hoàn toàn đúng và dựa trên những văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ.

Trước sự việc trên, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, kiểm tra và làm rõ việc tổ chức các hoạt động giao lưu, sân chơi trí tuệ của Sở Giáo dục Hải Dương đã đúng hay chưa, đồng thời cần chấn chỉnh ngay những việc làm gây nhiều áp lực cho giáo viên và học sinh ở cấp tiểu học như thế này.

Trần Việt

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/so-giao-duc-hai-duong-van-quyet-lam-trai-chu-truong-cua-bo-post174710.gd