Sợ ế nhưng vẫn không dám yêu

Em năm nay đã 27 tuổi, ở quê em, bằng tuổi này, người ta đã có chồng, con đi học lớp 1, em vẫn “phòng không gối chiếc”. Em ở Sài Gòn, chứ về quê thì người ta sẽ bảo em là “đồ ế”, em sợ ế lắm nhưng em lại không dám yêu ai” - là tâm sự của một nữ công nhân mà một lần theo chân các chị trong ban nữ công LĐLĐ huyện Hóc Môn xuống tổ công nhân tự quản ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (TP.HCM) tôi đã nghe được.

TP.HCM có nhiều chương trình hỗ trợ các vợ chồng công nhân khó khăn. Trong ảnh là lễ cưới tập thể do Trung tâm hỗ trợ Thanh niên công nhân tổ chức - Ảnh: L.Tuyết

Tổ công nhân tự quản có gần 100 phòng trọ, hơn 60% trong số đó là phòng của các anh chị em công nhân còn độc thân, trẻ nhất vừa tròn đôi mươi, lớn tuổi đã ngấp nghé “băm nhừ băm nhuyễn”, còn đa phần ở tuổi 25 - 30. Các anh chị em đã gắn bó với thành phố, nhà xưởng, xí nghiệp đã sắp hết tuổi thanh xuân của mình.

Một chị buột miệng: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi, ai chẳng muốn có một tổ ấm cho riêng mình”. Lý giải cho chuyện “sợ ế nhưng vẫn không dám yêu” của các chị em, chị bảo: “Yêu là phải cưới, cưới là phải sinh con, phải có trách nhiệm với con cái nhưng với thu nhập hiện nay, nhắc đến chuyện lập gia đình, ai cũng e dè”. Nhìn các chị em đang tuổi xuân sắc, lắng nghe những tâm sự cơm áo gạo tiền hay “chân lý” mà các chị em đúc kết “yêu đương phải nhìn vào lương”, chị em chúng tôi chợt chạnh lòng. Ngồi cạnh tôi hôm đó là em gái tuổi vừa 20, em vào Nam làm công nhân, trên vai em là chuyện học hành của hai đứa em tuổi ăn tuổi lớn. Em nhận trách nhiệm nuôi hai đứa em thay bố mẹ, không để hai đứa nghỉ học giữa chừng như em. Em vừa chia tay bạn trai cách đây mấy tháng, rồi không dám yêu ai vì sợ sẽ phải cưới chồng. Có chồng rồi, em sẽ không nuôi được hai đứa em nữa.

Hôm ấy, trong nhóm chúng tôi có một chị cán bộ công đoàn đứng tuổi, chị có một gia đình hạnh phúc, hai con ngoan ngoãn. Lắng nghe câu chuyện của từng chị em, chị bộc bạch: Chính chị cũng từng có một giai đoạn “sợ ế nhưng vẫn không dám yêu” như các chị em. Những nỗi lo lương thấp, trách nhiệm với gia đình… đã khiến chị không dám nhận lời yêu ai, rồi chị cười: “Cũng may, người thương chị biết chờ đợi và kiên nhẫn, nếu không chị đã đánh mất hạnh phúc của mình”.

“Nếu một chàng trai tốt, tử tế sẽ không bao giờ ngăn cản hoặc khó chịu khi người bạn gái, người vợ của mình giúp đỡ gia đình mình”, chị khẳng định. Chị khuyên các chị em trong nhóm rằng cũng không nên vì quá đặt nặng trách nhiệm với gia đình mà đánh mất hạnh phúc riêng, điều quan trọng là phải cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và hạnh phúc của riêng mình.

“Là công nhân hay bất cứ ai trong xã hội này đều có quyền tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Yêu, kết hôn, sinh và nuôi lớn những đứa con không chỉ là hạnh phúc mà còn là trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình. Nhưng khúc mắc của chị em ở đây là làm sao với đồng lương ít ỏi của công nhân mà vừa tròn trách nhiệm với gia đình mà không lo lắng khi yêu. Khi yêu, người con trai và người con gái nên nói rõ hoàn cảnh gia đình của mình để cho hai bên hiểu và thông cảm cho nhau”, chị cán bộ công đoàn chia sẻ.

Nghe chị cán bộ công đoàn chia sẻ, một anh công nhân tầm 30 tuổi, kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện từ đầu tới giờ buột miệng: “Phải đó chị ơi, con trai tụi em hiểu chuyện lắm chứ. Nếu người con gái mình yêu chịu nhiều vất vả, mình cũng muốn san sẻ, hỗ trợ. Hơn nữa, một người biết lo lắng cho bố mẹ, các em thì sau này cũng sẽ biết lo cho chồng con. Đồng lương công nhân ít ỏi, lại biết gói ghém nuôi em ăn học thì càng đáng được trân trọng”. Nghe lời chia sẻ của anh, cả nhóm cười vang, trong nhóm có một bạn nữ mặt ửng hồng, một vài chị em hiểu chuyện liền trêu: “Biết bụng người ta rồi, yêu đi để vĩnh biệt ế!”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/so-e-nhung-van-khong-dam-yeu-577163.bld