Số ca sốt xuất huyết tại BV Nhi đồng 1 tăng gấp đôi

PNVN TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp - BV Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết tại bệnh viện.

Theo BS Ngô Ngọc Quang Minh, từ tháng 1 - 5/2017, số ca sốt xuất huyết tại bệnh viện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6/2017 thì số lượng bệnh nhân tăng cao hơn so với cùng kỳ. “Trước đây, mỗi tuần chỉ có khoảng 30 - 40 ca nhưng từ đầu tháng 7/2017 đến nay, số ca sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi, từ 80-90 ca/tuần”, BS Minh cho hay.

Hiện tại, vào ngày 25/7, BV Nhi đồng 1 đang có 110 ca sốt xuất huyết nằm viện và có 9 ca sốc sốt xuất huyết.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi đồng 1 cho biết, trong thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết không chỉ có ở trẻ nhỏ mà còn xảy ra ở người lớn. Do vậy, mọi người cần phải chú ý đến bệnh, nhất là vào thời điểm mưa nhiều. “Có nhiều trường hợp trong gia đình 3-4 thành viên đều bị sốt xuất huyết, cả mẹ và con đều bị. Sốt xuất huyết xảy ra ở người lớn thường đi kèm với các bệnh lý khác nên tỉ lệ tử vong cao”, BS Tuấn lưu ý.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại BV Nhi đồng 1

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, hiện nay có nhiều người đang mắc một số sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Cụ thể, như tự ý sử dụng thuốc hạ sốt trong khi bệnh nhân không sốt, một số loại thuốc hạ sốt rất mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình đông máu, rối loạn tiểu cầu. Một số bệnh nhân bị sốt xuất huyết ăn uống kém thường có mong muốn truyền dịch nhưng điều này thực sự rất nguy hiểm, khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp.

Do thói quen, người bệnh thường cạo gió, cắt lễ dẫn đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng.

Đặc biệt, khi trẻ bị bệnh, nhiều bậc cha mẹ chỉ chú ý đến khoảng thời gian trẻ bị sốt cao (3 ngày đầu) nhưng sau đó thì lơ là, ít quan tâm dẫn đến bệnh trở nặng. “Khi trẻ không thèm ăn, ói nhiều, lừ đừ… thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức để điều trị. Trong chăm sóc theo dõi thì nên cho trẻ uống nhiều nước, không nên cho ăn thức ăn màu nâu, đen vì khi trẻ nôn ói sẽ khó phân biệt được với xuất huyết tiêu hóa”, BS Tuấn khuyến cáo.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/so-ca-sot-xuat-huyet-tai-bv-nhi-dong-1-tang-gap-doi-post30507.html