Số ca nhiễm virus Zika ở TPHCM tăng mạnh

Tính đến ngày 18/11, tại TPHCM đã có 46 ca nhiễm virus Zika, trong đó, 8 ca mới phát hiện nằm rải rác ở các quận, huyện mà virus Zika đã lưu hành trước đó.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trao đổi với chính quyền Quận 12 nhanh chóng triển khai tuyên truyền, vận động người dân về dịch Zika. Ảnh: Báo SGGP

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết vừa phát hiện thêm 8 ca mới nhiễm virus Zika thông qua hệ thống giám sát trọng điểm bệnh sốt xuất huyết Dengue-bệnh Chikungunya-bệnh do virus Zika.

Như vậy, tính đến ngày 18/11, tại TPHCM đã có 46 ca nhiễm virus Zika tại 13/24 quận, huyện, trong đó cao nhất là quận Bình Thạnh và Quận 2 đều có 9 ca mắc; các Quận 9, 12 có từ 4-5 ca.

Công tác tuyên truyền chưa đạt yêu cầu

Theo Sở Y tế TPHCM, 46 ca nhiễm virus Zika chưa phải là con số thực tế, do chỉ có khoảng 20% người nhiễm virus Zika có triệu chứng sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau mỏi cơ, nên có thể số người nhiễm bệnh trong cộng đồng cao hơn con số đã phát hiện thông qua sàng lọc, giám sát.

Thời gian qua, dù ngành y tế và các cấp chính quyền TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống điều tra dịch tễ, khoanh vùng có ca bệnh và đặc biệt là huy động toàn dân diệt muỗi, diệt lăng quăng,… nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

TTXVN thông tin, trong buổi giám sát tại Quận 12 vào ngày 17/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu bày tỏ lo ngại vì qua trao đổi với người dân thì thấy họ chưa được tuyên truyền đến nơi đến chốn về dịch Zika. Trong nhà, sân vườn nhiều nhà dân vẫn còn nhiều vật dụng chứa nước, nơi phát sinh lăng quăng, muỗi, nhiều khu vực nhà bỏ hoang không dọn dẹp khiến cỏ rác, vật phế thải làm nơi trú ẩn cho lăng quăng, muỗi…

“Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền của địa phương chưa hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Thu nhắc nhở.

Còn Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho báo Sài Gòn Giải phóng biết, một số địa bàn vẫn chưa tích cực vào cuộc. Có quận, huyện làm vệ sinh diệt muỗi, lăng quăng thường xuyên, nhưng có quận, huyện chưa thường xuyên, như Quận 4, Quận 7, quận Bình Tân…

Trước vấn đề này, đại diện nhiều địa phương bị “bêu tên” lý giải việc dịch bệnh phát sinh và công tác phòng, chống dịch bệnh chưa đạt hiệu quả cao là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là các nguyên khách quan.

Xử phạt nghiêm cá nhân, tổ chức để phát sinh ổ dịch

Nhằm tiếp tục hạn chế sự lây lan của virus Zika, UBND TPHCM yêu cầu các địa phương tích cực hơn nữa trong việc huy động người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng; đặc biệt xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức để phát sinh ổ dịch tại khu vực mình quản lý.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền cần phải đổi mới, hiệu quả hơn nữa để tạo được sự hợp tác, đồng thuận của người dân. “Nói ra rả trên loa, đài mà không hướng dẫn bằng trực quan sinh động thì dân chưa hiểu, chưa làm theo”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết.

Vì vậy, UBND TPHCM yêu cầu chính quyền các quận, huyện, y tế dự phòng phải phòng chống bằng việc làm cụ thể, hướng dẫn cụ thể cho người dân như thả cá bảy màu, úp lu, úp chậu chứa nước…

Mặt khác, Sở TN&MT phải làm việc ngay với chủ đầu tư có dự án gây mất vệ sinh, ứ đọng nước, yêu cầu họ vệ sinh, nếu họ không làm thì hỗ trợ kinh phí cho quận, huyện làm.

Sở GD&ĐT cũng phải vào cuộc chỉ đạo các trường học thực hiện công tác vệ sinh, diệt lăng quăng, muỗi, không để dịch Zika phát sinh trong trường học./.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/so-ca-nhiem-virus-zika-o-tphcm-tang-manh/291955.vgp