Sinh viên y khoa phải thi để được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh

Đây là thông tin được đưa ra Hội thảo “Định hướng triển khai và lộ trình phát triển ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi Chứng chỉ hành nghề cho Bác sĩ đa khoa” do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/10

Hội thảo “Định hướng triển khai và lộ trình phát triển ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi Chứng chỉ hành nghề cho Bác sĩ đa khoa (BSĐK)” với sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo ngành y và các bệnh viện lớn trên toàn quốc.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đào tạo nhân lực y tế tới đây sẽ theo 2 hệ thống riêng biệt. Đó là hệ thống năng lực nghiên cứu và hệ thống khám chữa bệnh. Tức là không phải cứ có học hàm từ thạc sỹ trở lên là được khám chữa bệnh như hiện nay mà phải qua đào tạo chuyên khoa và trải qua kỳ thi để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, Hội đồng đổi mới giáo dục quốc gia đã nghiên cứu kỹ về cơ cấu giáo dục quốc gia cũng như khung trình độ giáo dục quốc gia. Văn bản quy định về vấn đề này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, trong đào tạo nhân lực y tế sẽ có 2 hệ thống năng lực riêng biệt; đó là hệ thống năng lực nghiên cứu và hệ thống năng lực khám chữa bệnh. Như vậy, nếu một người học ngành y sẽ có thể phát triển thành 2 hướng hoặc là nghiên cứu hoặc là khám chữa bệnh. Từ trước đến nay, bằng cấp đào tạo bác sỹ chuyên khoa chỉ được coi là sự công nhận cấp Bộ, nay sẽ được công nhận là bằng cấp cấp quốc gia.

Giáo sư Lê Quang Cường nhấn mạnh, từ trước đến nay do chưa phân biệt được hệ thống năng lực nên hệ thống bằng cấp thạc sỹ và tiến sỹ vẫn dùng để khám chữa bệnh. Nhưng trong thời gian tới khi sử dụng Luật khám chữa bệnh và dựa theo những quy định về khung trình độ thì sẽ áp dụng như quốc tế đang làm, chỉ có bằng cấp chuyên khoa mới được khám chữa bệnh, còn hệ thống Thạc sỹ, Tiến sỹ là dung trong hoạt động nghiên cứu. Ngược lại nếu người hoạt động khám chữa bệnh muốn hoạt động trong hệ thống nghiên cứu thì phải làm Thạc sỹ, Tiến sỹ. Đó là 2 hệ thống năng lực khác biệt chứ không phải là 2 trong 1.

Các đại biểu tham gia hội tháo "Định hướng triển khai và lộ trình phát triển ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi Chứng chỉ hành nghề cho Bác sĩ đa khoa"

Được biết, Bộ Y tế cũng đang tiến tới việc tổ chức thi Chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ và hướng tới cấp giấy phép hành nghề có hạn định để đảm bảo các y, bác sỹ hoạt động đúng chuyên môn đã đào tạo và thường xuyên cập nhật kiến thức để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thông qua việc thi cấp chứng chỉ theo hạn định 5 năm 1 lần.

Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, Cục vừa đề xuất: Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ y khoa (giống như hệ bác sĩ đa khoa đào tạo 6 năm hiện nay). Sau đó, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề ngay mà cần phải thêm 1 năm tiền hành nghề, thực hành tại các bệnh viện.

Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa (giống như hệ bác sĩ đa khoa đào tạo 6 năm như hiện nay). Tuy nhiên, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề mà cần phải trải qua thêm 1 năm tiền hành nghề thực hành tại các bệnh viện. Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua một kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa.

Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa, sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa. Đối với những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ 2 năm và nghiên cứu sinh 3-4 năm, lấy bằng tiến sĩ. Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia thì các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7, còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8. Chính vì vậy, Bộ Y tế cũng đề xuất bác sĩ học 6 năm tương đương thạc sĩ (khung trình độ bậc 7) nên tăng bậc lương khởi điểm.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/sinh-vien-y-khoa-phai-thi-de-duoc-cap-chung-chi-hanh-nghe-kham-chua-benh-n124085.html