Sinh viên Việt Nam cần làm gì để sẵn sàng với IoT?

Chiều tối ngày 3/5, Tiến sĩ Timothy Chou đã có buổi giao lưu kéo dài hơn 2 tiếng với 400 sinh viên của ĐH Bách Khoa HN và một số trường ĐH về công nghệ.

Sau phần thuyết trình mở đầu về khái niệm Internet Vạn vật (IoT) hướng đến mọi thiết bị đang thay thế dần khái niệm Internet cho con người (IoP), T.S Chou và các sinh viên đã có phần giao lưu hỏi đáp quanh vấn đề IoT và cách mạng công nghệ 4.0 đang mở ra những cơ hội gì cho giới trẻ Việt Nam.

T.S. Chou chia sẻ với sinh viên VN: "Tôi luôn tâm niệm rằng điều làm nên một sinh viên giỏi không phải bởi họ biết những gì, mà là cách họ đặt câu hỏi như thế nào".

Ngay trong đầu phần giao lưu, để khuyến khích các sinh viên trực tiếp đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, T.S. Timothy Chou chia sẻ: "Tại ĐH Stanford nơi tôi giảng dạy, lớp học cũng có hàng trăm sinh viên, tuy không được đông như các bạn hôm nay, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng điều làm nên một sinh viên giỏi không phải bởi họ biết những gì, mà là cách họ đặt câu hỏi như thế nào".

Sống tại Thung lũng Silicon trong 35 năm qua, T.S Chou là người hiểu rõ và nghiên cứu về những xu thế mới của ngành công nghệ thế giới. Từ 10 năm trước, khi làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và tham gia xây dựng các phần mềm quản trị như CRM, ERP, quản trị CSDL... ông đã bắt đầu đặt câu hỏi rồi tương lai các phần mềm đó sẽ như thế nào.

"Ngày nay, với 3.000 USD, bạn sẽ có nhiều lựa chọn về chi tiêu cho công nghệ hơn, chẳng hạn nên mua 1 chiếc máy tính dùng trong vài năm hay sử dụng đồng thời hiệu suất của 10 ngàn chiếc máy tính trong 30 phút?. Đó thực sự là một sự thay đổi rất lớn".

"Với IoT, Things có thể là con người, là máy móc, nhưng cũng có thể là chính dạ dày của bạn. Nếu các thiết bị cảm biến biết rõ trạng thái dạ dày của bạn, các phương pháp điều trị y tế sẽ chính xác và hiệu quả hơn, giảm thiểu các tai biến và phản ứng phụ khi điều trị bệnh."

Công nghệ hiện nay đã có rất nhiều phương thức kết nối để Things có thể giao tiếp với con người.

"Đó cũng có thể là chiếc máy đào than trị giá 100 ngàn USD mà hãng khai thác mỏ tại Mỹ không hề muốn nó bị mắc kẹt do sập hầm. Để làm được điều này, họ sử dụng giải pháp cảm biến trên mái vòm của hầm để cảnh báo chống sập. Chúng có thể đo độ rung 10 ngàn lần/giây, nhanh hơn bất cứ cử động nào của con người".

Từ các thiết bị cảm biến được kết nối, con người sẽ có một lượng dữ liệu rất lớn để phân tích, giúp phần mềm và máy móc "tự học" để hoạt động chính xác, hiệu quả hơn.

"Từ những năm trước, tôi đã nhận thấy các cảm biến có khả năng giao tiếp với chúng ta. Tôi đã thử nghiệm triển khai những hệ thống lớn có tới 40 ngàn cảm biến khác nhau, thu thập được một lượng dữ liệu khổng lồ. Nhiều người lúc đó thắc mắc hỏi tôi sẽ làm gì với đống dữ liệu đó? Tôi trả lời rằng tôi chưa biết chính xác phải làm gì với nó, nhưng chắc chắn rằng chúng ta sẽ cần phân tích lượng dữ liệu đó để làm cho hệ thống vận hành hoàn thiện hơn", T. S Timothy chia sẻ.

Xu thế "máy móc như một dịch vụ", theo T.S Chou, sẽ là hướng đi mới của thế giới, thay thế dần khái niệm "phần mềm như một dịch vụ" (software-as-a-service). "Cả thế giới sẽ tiến theo xu hướng đó, nên nếu bạn không ở đó, không đi theo hướng đó, bạn sẽ bị tụt hậu", T.S Chou cảnh báo.

"Máy móc như một dịch vụ" sẽ là thu thế mới của thế giới, thay thế cho ngành phần mềm dịch vụ.

Trả lời câu hỏi của các sinh viên về việc họ có thể làm gì để thích nghi và bắt kịp xu thế IoT, T.S Chou cho biết: "Có rất nhiều lĩnh vực khác nhau để triển khai IoT, chẳng hạn như chế tạo các máy móc chính xác tích hợp các hệ thống cảm biến, cung cấp các giải pháp phần mềm IoT. Các hãng phần mềm lớn trên thế giới từ trước đến nay mới chỉ viết phần mềm cho con người sử dụng. Họ cũng mới chỉ bắt đầu bước vào sân chơi IoT, nên cơ hội tham gia vào thị trường phần mềm IoT cho Việt Nam và các bạn sinh viên là rất lớn."

"Các phần mềm cho Things có thể rất đơn giản và gần gũi, chẳng hạn giải pháp máy quét đường chính xác và tự động, hệ thống nuôi trồng thủy sản chính xác mà Việt Nam có thế mạnh, hay các ứng dụng chính xác khác trong nông nghiệp. Khi có hiệu quả tốt, các bạn có thể xuất khẩu các phần mềm đó đi khắp thế giới.

Tiềm năng để ứng dụng IoT vào cuộc sống là rất lớn, ngay như trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có thể viết cần nhiều phần mềm IoT.

Tương tự, các hệ thống máy dệt của Việt Nam cũng có thể sử dụng giải pháp để chính xác hơn, thúc đẩy ngành dệt may VN tăng tốc phát triển."

Sinh viên cần làm gì để sẵn sàng với IoT?

Trả lời câu hỏi này, T.S Chou cho rằng lộ trình là yếu tố quan trọng. Các bạn sinh viên cần rèn luyện nhiều về kỹ năng lập trình, tối ưu hóa phần mềm, cũng như cần tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo, các giải pháp Mechware - kết hợp giữa cơ khí máy móc và khoa học máy tính...

Mechware, sự kết hợp giữa khoa học máy tính và cơ khí máy móc.

Về vấn đề nên tự xây dựng riêng toàn bộ giải pháp phần mềm IoT hay nên mua một số phần mềm cơ bản từ các hãng nước ngoài rồi tích hợp thành hệ thống riêng, T.S Chou cho rằng cách nào cũng có những ưu điểm riêng, nhưng để bắt kịp xu thế mới thì việc kế thừa các chất xám và trí tuệ của những người đi trước sẽ giúp các startups về IoT của Việt Nam nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách.

Huy Phong (ghi)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/ung-dung/sinh-vien-viet-nam-can-lam-gi-de-san-sang-voi-iot-370900.html