Sinh viên mới ra trường 'thiếu' gì khiến doanh nghiệp từ chối?

Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sẵn lòng trao cơ hội làm việc cho các bạn sinh viên chỉ mới ra trường, nhưng đáng tiếc là không nhiều bạn trẻ tận dụng được. Việc áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế, cũng như thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết đã khiến cho nhiều bạn phải “vỡ mộng”.

Suốt quá trình hơn 10 năm hình thành và phát triển để trở thành một trong những công ty hỗ trợ tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm hàng đầu Việt Nam, Tổng Giám đốc CareerLink.vn - Ông Yamada Takafumi bày tỏ: “Chúng tôi luôn tự hào vì đã trở thành cầu nối quan trọng, đáng tin cậy giữa nhiều bạn sinh viên mới ra trường và các doanh nghiệp. Qua đó, rất nhiều bạn đã nắm bắt cơ hội và chứng tỏ được thực lực của mình. Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ bấp bênh mãi trên con đường tìm việc”.

Nếu các bạn sinh viên muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, và tránh tình trạng “khát” việc dài hạn ngay khi mới ra trường, thì cần phải tránh 5 điều “thiếu” trong bài viết dưới đây.

Cập nhật thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ha-noi/HN

1. Thiếu kế hoạch học tập đúng đắn

Rất nhiều bạn cứ nghĩ rằng ngày nay vấn đề bằng cấp là không quan trọng, do đó việc học ở trường chỉ đảm bảo ở mức sàn sàn, trung bình. Nhưng đến khi các bạn đi làm thì mới biết rằng kiến thức nền mà nhà trường cung cấp là vô cùng hữu ích, đặc biệt là những công việc liên quan với chuyên ngành đã học.

Có thể vấn đề bằng cấp không phải là điều tiên quyết, nhưng nó cũng là một yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đến việc cạnh tranh với các ứng viên khác ở vòng sơ loại, cũng như mở ra cơ hội thăng tiến đến các vị trí cao hơn. Do đó, ngay từ khi đi học bạn hãy xây dựng thời khóa biểu học tập đúng đắn ở trường, và luôn ưu tiên việc trao dồi chuyên môn lên hàng đầu.

2. Thiếu vốn sống phong phú, và các kỹ năng mềm cần thiết

Bên cạnh đó, lại có một bộ phận sinh viên chỉ chăm chăm vào việc học tập lý thuyết ở trường mà bỏ lơ việc nâng cao vốn sống, và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết. Các doanh nghiệp sẽ không tuyển dụng bạn chỉ vì tấm bằng tốt nghiệp loại ưu ở một trường đại học danh giá trong khi bạn lại thể hiện bản thân một cách kém cỏi, thiếu tự tin tại buổi phỏng vấn.

Các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống bất ngờ là những thứ vô cùng quan trọng giúp bạn có thể vượt qua vòng phỏng vấn, cũng như trụ lại trước sức ép đến từ công việc. Do đó ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn nên đăng ký theo học các khóa bồi dưỡng kỹ năng (đặc biệt là cải thiện ngoại ngữ), tham gia các hoạt động đoàn, đội, hoặc trải nghiệm các công việc làm thêm để tích lũy thêm vốn sống.

3. Thiếu hoạch định trước công việc trong tương lai

Thị trường lao động ngày nay vô cùng khắc nghiệt, và xu hướng tuyển dụng cũng thay đổi nhanh chóng. Do đó, ngay từ khi còn đi học, bạn nên hiểu rõ giá trị của bản thân, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và tính cách để có thể khoanh vùng nhóm ngành nghề cụ thể sẽ làm trong tương lai.

Bên cạnh đó, bạn nên ưu tiên chọn các công việc làm thêm, hay tham gia những hoạt động bổ trợ trực tiếp đến kỹ năng, kiến thức của công việc sẽ chọn về sau. Điều này sẽ giúp bạn có bước “chạy đà” thuận lợi, có ưu thế hơn khi cạnh tranh với các ứng viên khác, và dễ dàng ghi điểm với nhà tuyển dụng bằng một bản CV “dày dặn”.

4. Thiếu chủ động trong việc xây dựng mạng lưới quan hệ

Nếu bạn không tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, nổi trội trong các hoạt động ngoại khóa, và hoàn toàn không thể nhờ cậy vào sự quen biết của gia đình, thì mạng lưới quan hệ cá nhân rộng rãi là một “cứu cánh” hữu hiệu. Thông qua sự giới thiệu của thầy cô, bạn bè thì bạn có thể tìm được một công việc (có thể không hoàn toàn tốt, phù hợp ở thời điểm hiện tại), nhưng còn hơn là đối diện với tình trạng “ngồi chơi xơi nước” dài hạn.

Do đó, bạn phải năng động, cởi mở và chịu khó tiếp xúc, mở rộng quan hệ với những người xung quanh. Hãy tự giải thoát mình khỏi cái “vỏ bọc”, vì khi đi làm thì bắt buộc bạn cũng phải tương tác với đồng nghiệp, cấp trên, hay đối tác. Cho nên, bạn hãy tranh thủ rèn luyện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm từ khi còn đi học.

5. Thiếu sức khỏe, và ít chăm chút cho ngoại hình bản thân

Điều cuối cùng nhưng cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng đó chính là sức khỏe và ngoại hình. Sức ép lớn từ công việc và cuộc sống đầy khó khăn sẽ dễ dàng “quật ngã” bất kì ai nếu họ thiếu sự quan tâm cần thiết cho cơ thể. Bạn nên luôn nhớ ăn uống đầy đủ, và dành khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý để bù đắp năng lượng đã mất.

Còn về ngoại hình thì có thể không “lung linh” như các ngôi sao hạng A, nhưng cơ bản thì bạn cần trông lúc nào cũng quần áo thẳng thớm, tóc tai gọn gàng, mặt mũi tươi tỉnh, rạng rỡ và luôn tự tin với nụ cười thường trực. Chỉ như vậy, bạn mới có thể gây thiện cảm với nhà tuyển dụng, và dễ dàng giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng trong tương lai.

Trung Thành

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/sinh-vien-moi-ra-truong-thieu-gi-khien-doanh-nghiep-tu-choi-n20170816073702757.htm