Sinh viên làm thêm, lợi cả đôi đường?

Làm thêm trong dịp hè hiện không còn là 'chuyện của sinh viên nghèo'. Nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện chuyên môn, trau dồi kỹ năng và vốn sống cho bản thân, giúp tự tin hơn trong cuộc sống cũng như công việc sau này...

Ảnh minh họa

Dò tìm trên internet, hỏi han bạn bè, tìm kiếm thông tin trên các bảng tuyển dụng lao động, đến các trung tâm giới thiệu việc làm là cách sinh viên thường sử dụng để tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, để tìm được một công việc vừa ý không phải dễ. Tại nhiều trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội, chỉ có số ít sinh viên ngành điện tử, với công việc sửa máy lạnh mùa hè hay điện thoại là được làm việc đúng chuyên ngành.

Đỗ Hữu Khánh, sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng vừa được nhận vào làm nhân viên Marketing cho Trung tâm Anh ngữ Apolo. Công việc đơn giản, chỉ cần mặc trang phục ngộ nghĩnh đứng 2 tiếng giới thiệu về Trung tâm với khách hàng là được trả công 140.000 đồng. Ngoài thời gian đó, Khánh lo làm đồ án tốt nghiệp. Khánh chia sẻ: “Ngành của mình rất khó tìm được việc làm thêm. Trước đây, mình cũng đã đi làm thêm tại một công ty sửa chữa văn phòng và học được cách sử dụng các máy móc thiết bị, hình dung được hệ thống công việc trong xây dựng… Tạm thời bây giờ, mình làm việc này để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống”.

Theo anh Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội, 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức tư vấn việc làm cho 5.522 người; giới thiệu việc làm cho 1.466 người; tư vấn nghề 2.113 người; tư vấn hướng nghiệp cho 23.402 người. Trung tâm đã phối hợp với các trường đại học, cùng nhiều doanh nghiệp giúp thanh niên, sinh viên tìm kiếm việc làm, qua đó định hướng rõ hơn con đường học tập và rèn luyện kỹ năng. Trong dịp hè này, trung tâm tiếp tục tư vấn hỗ trợ, giới thiệu việc làm thêm cho các sinh viên có nhu cầu, đặc biệt là tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên sắp tốt nghiệp, để các bạn tìm được việc phù hợp, hỗ trợ ngành nghề mình đang theo học một cách hiệu quả và thiết thực.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, dù không đúng ngành học, việc làm thêm trong dịp hè vừa có thu nhập, vừa mang lại một số kinh nghiệm quan trọng khác, nhất là kỹ năng giao tiếp. Đang là sinh viên năm thứ 3, Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Đinh Bảo Lâm đã xin được công việc phục vụ tại một nhà hàng ở trung tâm thương mại, với mức lương 150.000 đồng/ngày. Lâm cho hay: “Ngoài thu nhập thì công việc mang lại cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với những vị khách nước ngoài, đồng thời có thêm kinh nghiệm quản lý nhà hàng đáp ứng ngành học của mình”. Tương tự, Nguyễn Mỹ Linh (sinh viên năm thứ 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận dạy kèm cho một học sinh cuối cấp trung học phổ thông trong dịp hè với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng và làm cộng tác viên cho một số tờ báo điện tử. Công việc này không những giúp Linh trau dồi, ôn lại kiến thức mà còn học hỏi được kinh nghiệm về nghề sau khi ra trường.

Như một sự đúc kết kinh nghiệm, Nguyễn Thị Trang, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn từng làm gia sư, nhân viên phục vụ quán cà phê, nhân viên bán hàng cho khách du lịch, phiên dịch... cho rằng: Mỗi công việc đều giúp cho sinh viên có một trải nghiệm cuộc sống, từ đó tích lũy cho bản thân những bài học, kỹ năng cần thiết. Đi làm thêm tốt nhất là làm những việc liên quan đến chuyên ngành mình học, nó rất có ích sau khi ra trường. Quan trọng hơn là bạn đã rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và lý thuyết, những va đập ngoài cuộc sống giúp bạn trưởng thành hơn...

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gioi-tre/872639/sinh-vien-lam-them-loi-ca-doi-duong