Sinh viên khởi nghiệp kinh doanh - Nên thận trọng

Kể từ khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách khuyến khích tối đa khởi nghiệp, nhiều sinh viên đại học cũng tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm dấn thân vào khởi nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên sinh viên cần suy xét một cách có trách nhiệm về quyết định khởi nghiệp.

Trào lưu khởi nghiệp

Nhờ sự phát triển của Internet và công nghệ viễn thông đã giúp giảm đáng kể chi phí sáng lập doanh nghiệp nhỏ. Có vô số tấm gương khởi nghiệp thành công mĩ mãn được đăng tải trên Internet giống như liều thuốc kích thích giới trẻ khởi nghiệp. Giới trẻ, kể cả sinh viên, mơ ước thành công như những tấm gương trở thành triệu phú chỉ trong thời gian ngắn chỉ bằng một ý tưởng độc đáo.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hành chính các cấp đều đưa ra các biện pháp khuyến khích và ủng hộ sinh viên khởi nghiệp. Các biện pháp gồm cung cấp đào tạo khởi nghiệp và quỹ khởi nghiệp, ưu đãi thuế và thành lập những trung tâm đào tạo cho sinh viên quan tâm tới khởi nghiệp.

Một số trường thậm chí khuyến khích sinh viên có triển vọng bảo lưu kết quả để khởi nghiệp kinh doanh. Kết quả là gia tăng số lượng sinh viên đại học lao vào khởi nghiệp thay vì tìm kiếm việc làm trong một công ty sau khi hoặc thậm chí trước khi hoàn thành chương trình học.

Đổi mới hiển nhiên là tốt cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội. Nhưng có thể là không khôn ngoan khi khuyến khích toàn bộ sinh viên bắt tay vào khởi nghiệp. Liệu một sinh viên đại học có nên bước vào thương trường hay không khi mà chưa có được nhạy bén và hiểu biết về thế giới kinh doanh?

Nhận thức rõ rủi ro

Không ai có thể dự đoán một sự khởi nghiệp kinh doanh sẽ thành công hay thất bại. Thay vì chỉ đổ tiền vào khởi nghiệp, sinh viên cũng cần nhận thức rõ những rủi ro vốn có.

Người sáng lập Viện Giáo dục nổi tiếng XDF.cn, ông Yu Minhong cho biết không phản đối sinh viên thiếu kinh nghiệm dấn thân khởi nghiệp nhưng cũng không đầu tư cho đối tượng như vậy khởi nghiệp. Theo Yu thì nói chung là sinh viên thiếu trải nghiệm xã hội và quản lí.

Yu có thể đúng, tỉ lệ thành công đối với sinh viên khởi nghiệp với ý tưởng mới thực sự rất thấp, mặc dù không có số liệu chính thức về việc này. Sinh viên dù sao nên tính tới cả những phương án xấu nhất trước khi khởi nghiệp.

Họ nên chắc chắn rằng có đủ năng lực cần thiết và khả năng điều hành một doanh nghiệp trước khi “nhảy vào lửa”. Quan trọng hơn là họ nên tự hỏi chính mình là liệu có thể chấp nhận thất bại - một nguy cơ rất lớn - hay không.

Mặc dù đã là người trưởng thành nhưng nhiều sinh viên vẫn phải nhận hỗ trợ từ cha mẹ và chưa thể kiếm nổi một xu cho riêng mình.

Thêm nữa, do giáo dục đại học không phải là phổ cập, miễn phí - và học phí hầu hết do phụ huynh trang trải, vì thế sinh viên cần nhìn nhận đó là khoản đầu tư cần thu hồi. Và với những sinh viên nhận tiền của bố mẹ để khởi nghiệp nên hiểu rằng thất bại của họ không chỉ làm tổn thương họ, mà cũng ảnh hưởng tới cha mẹ - cả về mặt tài chính lẫn tinh thần.

Dù có thành công hay không trong cuộc dấn thân khởi nghiệp, sinh viên nên hành động có trách nhiệm và tìm lời khuyên ở người đi trước trước khi bước vào cuộc phiêu lưu.

Những người trẻ có nhiều thuận lợi khi bước vào khởi nghiệp, họ có đam mê và nhiệt huyết hơn lớp người lớn tuổi hơn. Tuy nhiên họ cũng có những bất lợi, như thiếu nguồn tài chính, trải nghiệm xã hội và kinh nghiệm quản lí.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/sinh-vien-khoi-nghiep-kinh-doanh-nen-than-trong-2439390-b.html