Sinh vật tái tạo bộ phận cơ thể bị mất bằng cách nào?

Từ lâu, bí ẩn về hiện tượng nhiều loài sinh vật có khả năng tái tạo những bộ phận cơ thể bị mất, đã khiến cho giới khoa học phải đau đầu. Giờ đây, sau 3 thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học cuối cùng cũng khám phá ra sự thật đằng sau khả năng này.

Trước đây, người ta chỉ biết rằng, một số loài đã sử dụng loại axit đặc biệt để tái phát triển các bộ phận cơ thể. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của nó thì không ai có thể hiểu chính xác.

Vừa qua, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Konstanz ở miền nam nước Đức tuyên bố, họ đã giải mã được bí ẩn sau thời gian dài tiến hành nghiên cứu trên loài động vật được coi là bậc thầy trong “nghệ thuật” tái sinh chi - cá ngựa vằn.
Theo đó, axit retinoic chính là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong khả năng tái sinh vây, thậm chí cả cơ tim của loài cá nước ngọt nhiệt đới.

Cá ngựa vằn - bậc thầy trong “nghệ thuật” tái sinh chi. (Ảnh: Alamy)

Trưởng nhóm nghiên cứu Gerrit Begemann nói: “Đối với chúng tôi, đây là một thành công vô cùng to lớn. Cho đến nay, chưa từng có ai thực sự quan tâm đến chức năng thực tế của axit này".

Ở cá ngựa vằn, trước khi tái tạo vây, vết thương sẽ được khép lại với nhiều lớp mô. Các tế bào bên dưới phần chân vây bị mất sau đó sẽ bắt đầu quá trình hình thành mầm gốc.

Nhóm khoa học thấy rằng, cá ngựa vằn đã sử dụng tính năng di truyền đặc biệt cho phép axit kiểm soát sự hình thành của mầm gốc. Điều này nghĩa là chúng có thể tạo ra rất nhiều tế bào giúp hồi sinh vây.

Với nguồn gốc từ vitamin A, axit retinoic là một chất hoàn toàn có khả năng được sản xuất bởi động vật, bao gồm cả con người, giúp kích hoạt các gene cần thiết cho việc tái sinh. Ví dụ ở phụ nữ mang thai, nếu chế độ ăn uống của họ không cung cấp đủ vitamin A thì những bào thai có nguy cơ kém phát triển.

Tuy nhiên, nghiên cứu này sẽ phải trải qua một thời gian thử nghiệm, xem nó liệu có mang lại lợi ích trên cơ thể con người hay không. Mặt khác, một vấn đề cũng được đặt ra là “con người không thể tái tạo mô, và tại thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa hiểu được vì sao lại như vậy”, Tiến sĩ Begemann cho biết thêm.

Nguồn Đất Việt: http://khoahoc.baodatviet.vn/home/khcn/kh24/sinh-vat-tai-tao-bo-phan-co-the-bi-mat-bang-cach-nao/201111/180781.datviet