Sinh con theo kiểu… khẳng định đẳng cấp

Nhiều sản phụ thích “sinh đẻ đẳng cấp”, trong khi sức khỏe bản thân lẫn đứa trẻ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Đa dạng dịch vụ sinh

“Em không thể sinh thường được đâu, mất thời gian lắm. Sinh mổ nhanh gọn, được chọn ngày giờ, bé sinh ra hợp tuổi bố mẹ, tốt cho công việc kinh doanh”, “Em đang để dành tiền để sinh con ở bệnh viện (BV) quốc tế. Bạn bè em toàn sinh ở đó”… Trào lưu “sinh đẻ đẳng cấp” thu hút không ít bà mẹ “trẻ trâu”.

P.B.H., 24 tuổi, đang làm việc tại bộ phận maketing của một doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn Q.3, TP.HCM. Cô lập gia đình được gần nửa năm và phát hiện mang thai khoảng năm tuần nay.

Bà mẹ tương lai bắt đầu lên kế hoạch sinh đẻ hân hoan chia sẻ: “Bạn em toàn sinh theo gói 60 triệu đồng của BV quốc tế tại trung tâm thành phố, nhưng em tìm hiểu thì không “thời thượng” bằng BV tư nhân. Bây giờ mà cho chồng vào đứng xem mình đẻ rồi cắt dây rốn cho con là… xưa rồi.

Em đang định sinh con… trong bồn nước”. Hai vợ chồng H. vẫn đang ở nhà thuê, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Khi mọi người gợi ý sao không để tiền đó lo cho em bé sau khi sinh, H. cười xòa: “Không sao, em bán hết vàng cưới là vừa đủ tiền sinh con. Cả đời sinh đẻ có một-hai lần, chẳng tội gì mà không đầu tư để được trải nghiệm mới lạ”.

Các bà mẹ trẻ quyết định sinh con theo ý muốn như H. không hề hiếm. Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, khá nhiều thai phụ trẻ có xu hướng “phân chia đẳng cấp sinh đẻ” thông qua dịch vụ, thương hiệu, giá tiền của các BV tư.

Cũng là tốn nhiều tiền nhưng BV A chuyên dành cho giới diễn viên, nghệ sĩ, BV B chuyên dành cho người nước ngoài, dân trí thức, BV C lại dành cho các đối tượng kinh doanh buôn bán… Tuy nhiên, BS Nhi cảnh báo: “Muốn sinh đẻ kiểu gì thì an toàn cho mẹ và em bé vẫn phải trên hết. Sinh ngồi, đứng, nằm bồn massage…chỉ là những thứ tạo tâm lý thoải mái cho sản phụ.

Nếu sức khỏe cho phép và đủ điều kiện kinh tế thì không có gì đáng bàn, nhưng coi đó như một trào lưu đua đòi thì hoàn toàn không nên. Chẳng ai nói trước được trong quá trình sinh sẽ xảy ra sự cố gì. BV Từ Dũ thường xuyên tiếp nhận những ca sinh dịch vụ chuyển đến cấp cứu do sự cố thuyên tắc ối, băng huyết”.

Biến chứng khó lường

Bên cạnh việc lựa chọn dịch vụ và BV để sinh con nhằm… thể hiện đẳng cấp, ngày càng nhiều bà mẹ trẻ coi việc sinh con theo lối truyền thống là thử thách không đáng có. BS Nhi còn nhớ mãi trường hợp thai phụ V.T.N. (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) không chịu sinh thường, năm lần bảy lượt viện cớ thai lớn để đòi sinh mổ.

Dù được BS Nhi giải thích, em bé nặng 3,6kg vẫn chưa phải là quá lớn tới mức không sinh thường được; thai lớn, nặng 4,5kg trở lên mới cần thiết sinh mổ, N. nằng nặc: “Em nghĩ, sinh thường lâu lắm, nghe bạn bè kể mất cả một-hai tiếng vẫn chưa sinh được” và quyết định sinh mổ. Ca mổ sinh của N. diễn ra suôn sẻ, em bé khỏe mạnh bình thường.

Tuy nhiên, hai năm sau, N. mang thai và phải hủy bỏ thai kỳ lúc bảy tuần vì thai bám vào sẹo mổ. N. bị tụ dịch ngay vết sẹo, phải phẫu thuật. Lần mang thai thứ 3, tuần thai thứ 15, BS phát hiện thai phụ bị nhau tiền đạo cài răng lược. Đến tuần thai thứ 26, N. nhập viện cấp cứu do ra huyết nhiều. Các BS đành cắt bỏ tử cung, lúc này sản phụ mới chỉ 30 tuổi.

Xu hướng đẻ con theo ý thích cá nhân hơn là chỉ định của y khoa thường diễn ra ở các bà mẹ trẻ sinh con đầu lòng. Tâm lý chung của những bà mẹ này rất hoang mang, dễ nghe lời mách bảo của người này, người kia dẫn tới cố chấp, bảo thủ. Mỗi năm BV Từ Dũ có khoảng 60.000 ca sinh thì 20-30% yêu cầu sinh mổ.

Theo PGS-TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Phó chủ nhiệm bộ môn Sản Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khối Sản BV Hùng Vương, tỷ lệ sinh mổ ngày càng gia tăng, một số BV, tỷ lệ này chiếm 35-40%, thậm chí gần 100%. Tuy nhiên, các bà mẹ không hiểu rằng em bé sinh mổ có nguy cơ bị ứ đọng dịch phổi (dù tỷ lệ thấp, nhưng trẻ dễ tử vong). An toàn là điều cần quan tâm nhất đối với sản phụ và trẻ.

Với những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế khá giả, ngoài việc lựa chọn các BV tư với dịch vụ sinh đa dạng, nên quan tâm đến: cơ sở y tế có phòng mổ và bác sĩ túc trực mổ cấp cứu không; cơ sở y tế có đơn vị nhi sơ sinh (hoặc bác sĩ nhi sơ sinh chuyên trách) không. Bởi nếu em bé sinh ra cần hỗ trợ khẩn cấp thì không thể chờ đợi hoặc chuyển sang viện khác được.

PGS-TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang

Hạn chế mổ sớm, tránh nguy cơ tai biến

Tổ chức Y tế Thế giới đã thay đổi một số tiêu chuẩn trong sản khoa để hạn chế tỷ lệ mổ lấy thai lần đầu. Trước đây nếu quy định cổ tử cung mở 4cm là hoạt động chuyển dạ thì bây giờ cổ tử cung mở 6cm mới được xem là hoạt động chuyển dạ.

Trước đây sản phụ rặn 40 phút vẫn chưa chuyển dạ được thì can thiệp mổ lấy thai, nhưng hiện nay thời gian rặn đối với con so phải từ 1-2 giờ. Sau thời gian này mới can thiệp mổ lấy thai. Sở dĩ có sự điều chỉnh như vậy là để hạn chế các can thiệp sản khoa quá sớm, từ đó hạn chế các nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho mẹ về sau như: thai bám sẹo mổ, nhau cài răng lược…

Trâm Anh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/sinh-con-theo-kieu-khang-dinh-dang-cap-106505/