Singapore cảnh giác với 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc?

The Straits Times ngày 16/5 bình luận rằng : “Bất chấp sự đảm bảo của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong sáng kiến 'Vành đai và Con đường' rằng TQ sẽ không áp đặt ý chí của mình đối với các nước tham gia, song vẫn còn nhiều hoài nghi và lo ngại sẽ có những vấn đề khác liên quan đến các chủ thể tham gia diễn đàn này, ngoài thương mại và đầu tư”.

Tránh ngoại giao áp chế?

Tờ báo của Singapore dẫn lời ông Tom Miller, Chuyên gia phân tích cao cấp của Viện Gavekal Research cho biết, ngay cả khi ý định của Trung Quốc chủ yếu là kinh tế, thì sự tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng sẽ có những hậu quả địa chính trị.

"Đó có thể là một sự đánh đổi có thể chấp nhận được đối với các quốc gia nhỏ đang lo lắng tìm kiếm sự phát triển kinh tế, nhưng nó sẽ không đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi ở các nước khác, như Ấn Độ chẳng hạn, rằng sáng kiến lớn của Tập Cận Bình là một sự kiểm soát chiến lược".

Theo The Straits Times, Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng nguồn lực kinh tế của mình cho các mục đích địa chính trị, mà việc trả đũa các doanh nghiệp Hàn Quốc trong vụ phản đối THAAD là một ví dụ chính trị hóa kinh tế của Bắc Kinh.

Còn với Singapore, hẳn dư luận còn chưa quên cuộc tranh cãi giữa Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh và Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến liên quan đến lập trường của Singapore Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết diễn ra hồi tháng 7/2016.

Thủ tướng Lý Hiển Long và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn tỏ ra rất thân thiện

Theo đó, Singapore đã đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị và yêu cầu cập nhật vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị này. Theo tiến sĩ Feng Zhang, giảng dạy tại Viên Nghiên cứu Biển Đông ở tỉnh Hải Nam, Bắc Kinh đã phản ứng với động thái đó của Singapore bằng việc áp dụng chính sách ngoại giao cưỡng chế đối với quốc đảo này.

Trong khi đó Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ trọng GDP phụ thuộc vào Trung Quốc lớn hơn tỷ trọng trao đổi thương mại với Trung Quốc. Vi vậy, Singapore cần "hiểu những đe dọa và nhận diện đúng tín hiệu từ Bắc Kinh, để chỉ đạo làm sao cho mối quan hệ ổn định và ngăn chặn nó có thể suy giảm hơn nữa”, theo ông Feng Zhang.

Giới phân tích cho rằng, có lẽ muốn tránh những áp chế từ Bắc Kinh và thể hiện sự độc lập của mình mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã không tham dự Diễn đàn vành đai và Con đường theo sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Từ việc Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao cưỡng chế đối với Singapore và từ việc Thủ tướng Lý Hiển Long không hưởng ứng sáng kiến “Road and Belt”, dư luận đặt câu hỏi : Phải chăng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nhìn thấy trước điều này nên ông luôn tìm cách độc lập với Trung Quốc?

Singapore muốn đảm bảo độc lập

Theo lịch sử Singapore, khi tách khỏi ra Malaysia có tới 75% dân số Singapore là người gốc Hoa, sử dụng tiếng Hoa để giao tiếp và làm ăn. Nếu Singapore chọn tiếng Hoa làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội cũng là một sự hợp lý và tạo ra sự thuận tiện cho cả nhà nước và người dân Singapore lúc bấy giờ.

Nếu chọn tiếng Hóa làm ngôn ngữ phổ biến có thể sẽ giúp cho Singapore có nhiều thuận lợi ngay thời lập quốc nhưng đảo quốc này lại chọn tiếng Anh

Với những khó khăn của đảo quốc khi mới giành quyền độc lập, nếu sử dụng tiếng Hoa thì Singapore sẽ nhận được sự chia sẻ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Trung Hoa Dân quốc. Đặc biệt là cộng đồng người Hoa sinh sống và làm việc khắp thế giới sẽ hướng về Singapore giúp đỡ những người anh em vượt khó.

Nghĩa là nếu chọn tiếng Hoa thì Singapore có nhiều thuận lợi, nhận được nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng người Hoa trên thế giới. Nhưng ông Lý Quang Diệu lại chọn tiếng Anh, nên sự giúp đỡ của cộng đồng người Hoa đối với Singapore gần như không còn nữa. Điều đó cho thấy Singapore chọn độc lập hẳn với “mẫu quốc” Trung Hoa.

Có thể nhận diện, Thủ tướng Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến tại Singapore, điều đó nhằm tránh cho đảo quốc này bị đồng hóa bởi yếu tố Trung Hoa, mà từ đó có thể khiến Singapore trở thành một thành phần của Trung Hoa tại hải ngoại. Nếu chọn tiếng Hoa thì sớm muộn cũng sẽ làm đảo quốc này cũng mất đi tính độc lập của mình.

Lịch sử ngoại giao Singapore- Trung Quốc

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Singapore – Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã viết một bài xã luận trên China Daily ngày 29/2/2016. Ông Balakrishnan nhấn mạnh rằng, Singapore được xem là người mở đường cho sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á.

Singapore chọn thiết lập ngoại giao với Trung Quốc sau khi kết nối bang giao với Mỹ được 1/4 thế kỷ

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore cho rằng, Singapore và Trung Quốc đã có sự tương tác trong nhiều thế kỷ. Singapore luôn là một phần của con đường tơ lụa hàng hải. Đa số các công dân của của Singapore có tổ tiên từ Trung Quốc. Singapore và Trung Quốc có một mối quan hệ sâu rộng và lâu dài, vượt qua những rào cản chính trị.

Năm 1976, Thủ tướng Lý Quang Diệu có chuyến thăm đầu tiên mang tính bước ngoặt tới Trung Quốc và năm 1978, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có chuyến viếng thăm quan trọng tới Singapore. Kết quả các chuyến viếng thăm đó đã đặt một nền tảng vững chắc cho việc kết nối và phát triển quan hệ song phương.

Vậy nhưng mãi đến năm 1990 thì quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Singapore mới được chính thức thiết lập. Bản thân ông Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng ông lại rất đắn đo và và cẩn trọng trong việc kết nối quan hệ với Trung Quốc. Phải chăng nhà lãnh đạo huyền thoại làm như vậy là nhằm đảm bảo độc lập cho thể chế chính trị tại đảo quốc với diện tích chỉ 719 km2?

Trong khi đó ông Lý Quang Diệu lại chọn thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngay khi Singapore tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965, cùng lúc Singapore gia nhập Liên Hợp Quốc. Quan hệ Singapore – Hoa Kỳ là một trong những mối quan hệ quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất của Singapore ngay từ thới lập quốc.

Luôn chọn ngoại giao độc lập

Singapore là nước châu Á đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2015 và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Hai bên đã quyết định nâng cấp các FTA vào cuối năm 2016.

Kinh tế Singapore phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc

Nhìn vào biểu có thể thấy rằng Singapore là quốc gia duy nhất có giá trị GDP phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc lớn hơn giá trị hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, với gần 20% GDP của Singapore. Trong khi kinh tế thương mại – dịch vụ chiếm tới 75% trong cơ cấu kinh tế của Cộng hòa Singapore.

Điều đó cho thấy nếu quan hệ Trung Quốc – Singapore xấu đi thì kinh tế Singapore sẽ thiệt hại cực kỳ lớn, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng. Vậy nhưng, trong quan hệ đối ngoại của Singapore cho thấy quốc gia nhỏ bé này không hề lệ thuộc Trung Quốc, theo Straits Times.

Ngọc Việt

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/singapore-canh-giac-voi-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-63207.html