Singapore: “Bốn cây cột” để chống tham nhũng

Bốn cây cột lớn để chống tham nhũng ở Singapore là: Hệ thống luật pháp chống tham nhũng hiệu quả; cơ quan chống tham nhũng hiệu quả; chế tài nghiêm khắc đối với tham nhũng; và cơ chế kiểm soát chính quyền hiệu quả.

Ở Singapore, đạo luật chính yếu được sử dụng trong cuộc đấu tranh với tham nhũng là Luật Phòng chống tham nhũng (Luật PCTN). Luật này nhằm kiểm soát, xử lý các tội tham nhũng, đồng thời quy định quyền hạn của cơ quan chống tham nhũng mạnh nhất Singapore (cơ quan CTN).

Nguyên tắc “suy đoán tham nhũng”

Có hiệu lực từ năm 1960, đến nay Luật PCTN đã trải qua nhiều lần sửa đổi theo hướng tăng quyền cho cơ quan điều tra, tăng cường các biện pháp trừng phạt và lấp kín các khe hở của pháp luật.

Luật PCTN Singapore có một số điểm khác với luật chống tham nhũng của nhiều nước. Thứ nhất, luật này cho phép cơ quan CTN điều tra tham nhũng cả ở khu vực công lẫn tư. (Luật PCTN của Việt Nam còn bỏ ngỏ điều này, trong khi tham nhũng ở khu vực tư như y tế, giáo dục… đang gia tăng. Ngay trong khối doanh nghiệp có 49% vốn trở xuống là của Nhà nước, khi người ta tham ô, trục lợi rõ ràng nhưng luật lại không quy định đó là tội tham nhũng.)

Thứ hai, Luật PCTN quy định công dân Singapore sẽ bị truy tố nếu có hành vi tham nhũng ở nước ngoài và bị xử lý hệt như khi tham nhũng ở Singapore. (Ở Việt Nam, cả Luật PCTN lẫn Bộ luật Hình sự đều chưa có quy định này.)

Thứ ba, Luật PCTN của Singapore có điều khoản suy đoán tham nhũng với nội dung hoàn toàn ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội. Nội dung của điều khoản này là: Ngay khi một quan chức/công chức bị phát hiện có nhận tiền, họ đã bị buộc tội tham nhũng và có nghĩa vụ phải giải thích với cơ quan tư pháp rằng số tiền mà họ nhận đó không phải là hối lộ; nếu không giải thích thỏa đáng được thì họ bị coi là phạm tội tham nhũng.

Thứ tư, người nhận tiền bị coi là có tội ngay cả khi trên thực tế người này không có quyền thế hoặc không có cơ hội để làm ơn gì cho người đưa hối lộ.

Thứ năm, Luật PCTN cấm việc lợi dụng các thông lệ, truyền thống để hối lộ, ví dụ văn hóa “phong bao lì xì” trong dịp tết Nguyên đán, tiền lại quả, cảm ơn, tiền mừng trong các dịp lễ, tết khác. Trong quá khứ, khi Singapore còn đang vật lộn trong cuộc chiến với tham nhũng và chưa được tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp vào diện “quốc gia trong sạch”, cơ quan CTN rất bận rộn mỗi dịp tết Nguyên đán vì phải truy tìm các khoản hối lộ được ngụy trang dưới cái vỏ “tiền mừng tuổi”.

Ng Boon Gay, cựu cục trưởng phòng chống ma túy Singapore, bị cáo buộc bốn tội danh liên quan đến tham nhũng. Trong ảnh: Ng Boon Gay cùng vợ rời tòa án trong phiên xử mới đây. Ảnh: straitstimes.com

Không còn cửa để “hy sinh đời bố…”

Ngoài bốn điểm khác biệt trên đây, Luật PCTN của Singapore còn đánh mạnh vào lợi ích kinh tế khiến người muốn tham nhũng phải rụt vòi ngay từ trong trứng nước. Thứ nhất, tòa án có quyền ra lệnh cho người nhận hối lộ nộp một khoản tiền phạt bằng khoản tiền hối lộ bên cạnh các chế tài trừng phạt khác. Điều này nhấn mạnh một nguyên tắc: Quan chức, công chức sẽ không được hưởng lợi ích gì từ bất kỳ hành động tham nhũng nào.

Thứ hai là khái niệm “nợ dân sự”. Có một ví dụ ở Singapore cách đây ít lâu: Giám đốc một công ty đa quốc gia bị buộc tội tham nhũng vì đã nhận tiền “lại quả” cho một số hợp đồng mà ông “bắn” cho đối tác. Ông bị kết án 10 tháng tù và phải nộp phạt khoảng 300.000 USD, đúng bằng tổng số tiền tham nhũng ông ta đã nhận. Điều đáng nói là sau khi tòa tuyên án, chính công ty đa quốc gia nọ lại căn cứ Luật PCTN đòi vị giám đốc phải hoàn trả cho công ty khoản tiền ông đã tham nhũng. Ông này kháng cáo lên tòa phúc thẩm, nói rằng đã nộp phạt rồi thì không thể chịu trách nhiệm trả tiền cho công ty nữa, vì nếu không sẽ là tương đương với việc phải nộp phạt hai lần cho cùng một hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, kháng cáo của ông bị tòa phúc thẩm bác bỏ, bởi tòa cho rằng đây không phải là “trừng phạt hai lần”, vì Luật PCTN vốn đã có quy định về “nợ dân sự”.

Ngoài Luật PCTN, Singapore còn có luật về tham nhũng, buôn bán ma túy và các tội nghiêm trọng khác, tạo cơ sở pháp lý cho việc tịch thu, sung công bất kỳ thứ tài sản nào mà người bị buộc tội tham nhũng không thể giải trình cho thỏa đáng. Cạnh đó, các luật khác của Singapore nhằm kiểm soát các cơ quan chính phủ cũng có những điều khoản ngăn chặn tham nhũng. Ví dụ, Luật Quốc hội đảm bảo rằng các dân biểu không được lợi gì từ những tranh biện, chất vấn trước Quốc hội. Luật Quyên góp chính trị quy định các ứng viên tranh cử phải công khai số tiền quyên góp họ nhận được.

Cơ quan chống tham nhũng: Không phải xin ý kiến ai

Phó Giám đốc Cơ quan CTN Singapore, ông Koh Teck Hin, khẳng định rằng luật nghiêm khắc mà thực thi yếu kém thì tham nhũng vẫn sẽ sinh sôi, giống như có kế hoạch tác chiến hoàn hảo mà quân đội thì lại kém cỏi. Do đó, dứt khoát phải chú trọng việc xây dựng một cơ quan “thay trời hành luật” thật hiệu quả. Ở Singapore, cơ quan CTN là lực lượng duy nhất có quyền điều tra tham nhũng, độc lập hoàn toàn với cảnh sát. Bất kỳ cơ quan hành pháp nào khác, cho dù tình cờ phát hiện hoặc nhận được đơn thư tố cáo tham nhũng, đều phải giao vụ việc lại cho cơ quan CTN.

Cơ quan CTN có quyền điều tra bất kỳ cá nhân, công ty nào trong khu vực công hoặc tư, cho dù ở cấp bậc cao đến đâu chăng nữa. Cơ quan CTN báo cáo trực tiếp lên thủ tướng, ngoài ra không chịu sự can thiệp từ bất kỳ đâu. Bản thân thủ tướng cũng chịu một sự ràng buộc nhất định trong quan hệ với cơ quan CTN và tổng thống: Tính độc lập của cơ quan CTN đã được quy định tại Hiến pháp Singapore, theo đó tổng thống có quyền yêu cầu cơ quan CTN tiếp tục điều tra bất kỳ bộ trưởng hay quan chức cấp cao nào ngay cả khi thủ tướng không đồng ý.

Tổ chức của cơ quan CTN có thứ bậc rất chặt chẽ. Ở vị trí cao nhất là chủ tịch, người nhận tất cả báo cáo, khiếu nại, tố cáo và ra quyết định cuối cùng về việc cơ quan CTN có bắt tay vào điều tra một vụ việc cụ thể nào hay không. Dưới chủ tịch là giám đốc, phó giám đốc, trợ lý giám đốc và các nhân viên điều tra đặc biệt. Cơ quan này ngày nay có khoảng 100 nhân sự, so với con số năm nhân sự khi được thành lập năm 1952. Chức năng khá hẹp của cơ quan CTN (chỉ chuyên vào chống tham nhũng) khiến cho nó có ít người và tỉ lệ các vụ việc điều tra thành công, đưa đến khởi tố là khá cao. Đây chính là cột trụ vững chắc thứ hai của mô hình chống tham nhũng ở Singapore.

Chế tài nghiêm khắc và giám sát chặt chẽ

Cột trụ thứ ba trong mô hình chống tham nhũng của Singapore là những chế tài nghiêm khắc dành cho tội phạm tham nhũng. Điều này lại một lần nữa nhấn mạnh thông điệp rõ ràng rằng kẻ phạm pháp sẽ không được hưởng ích lợi gì từ hành vi tiêu cực. Đây cũng là ý mà ông Jairo Acunã-Alfaro, cố vấn của UNDP, rất đồng tình: “Phải tìm cách làm sao để việc cho và nhận quà có thể có rủi ro rất cao, gây thiệt hại cho sự nghiệp của những người liên quan, như thế tham nhũng sẽ chùn xuống”.

Cuối cùng, cây cột thứ tư là các giải pháp mang tính hành chính nhằm quản trị và giám sát chính quyền hiệu quả. Ở Singapore, “bộ quy tắc ứng xử” của quan chức, công chức hướng một cách triệt để tới việc đề cao tính liêm chính. Ví dụ: quan chức, công chức không được sử dụng bất kỳ thông tin chính thức nào để thúc đẩy lợi ích tư; không được tham gia kinh doanh hoặc có các công việc làm ngoài; không được nhận quà biếu, quà tặng dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả du lịch, giải trí) từ người dân…

Bên cạnh đó, chính quyền Singapore cũng nỗ lực loại trừ mọi cơ hội tham nhũng trong thủ tục hành chính, bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính (sao cho không ai còn cần phải hối lộ công chức thì mới được việc); thường xuyên xem xét mức lương công chức để đảm bảo rằng họ được trả công xứng đáng và tương đương với thu nhập trong khu vực tư.

“Nếu công chức được trả lương cao thì ngay cả khi khả năng mất việc là rất nhỏ cũng khiến họ ngại phải tham nhũng. Mặt khác, nếu lương công chức thấp quá thì ngay cả vị cán bộ liêm khiết, nguyên tắc nhất cũng sẽ bị cám dỗ phải phạm pháp để kiếm sống” - một cán bộ chống tham nhũng của Singapore nói.

Lễ, tết ở các nước châu Á luôn là một dịp để người ta lợi dụng “truyền thống” nhằm mục đích hối lộ. Tôi chưa thấy cơ chế của Việt Nam có biện pháp nào đủ mạnh để ngăn chặn chuyện tham nhũng qua tặng quà này. Cần cấm biếu tặng phong bì dưới mọi hình thức, cấp càng cao thì càng phải thực hiện nghiêm.

Ông JAIRO ACUNÃ-ALFARO, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP,
nói riêng với
Pháp Luật TP.HCM

HOÀNG THƯ

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20121228105116528p0c1112/singapore-bon-cay-cot-de-chong-tham-nhung.htm