“Siêu ủy ban” có gỡ được bất cập quản lý vốn nhà nước?

Xung quanh đề xuất mô hình Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thời gian qua được công chúng gọi là “siêu ủy ban”, có nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, “siêu ủy ban” chưa chắc là giải pháp cho việc quản lý vốn nhà nước nếu không thay đổi trong cách tiếp cận từ gốc rễ. Ảnh: THÀNH HOA

20 năm đổi mới quản lý vốn nhà nước

Năm 1996, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau khi hoạt động hơn bốn năm thì tổng cục này bị giải thể và chuyển thành Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho đến nay. Tới năm 2003, Chính phủ đã thành lập Công ty Mua bán nợ (DATC) và năm 2005 thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ngoài ra còn có Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) và Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội (HANIF) đang làm nhiệm vụ gần giống với SCIC ở hai thành phố lớn nhất nước.

Mục tiêu của việc ra đời Cục Tài chính doanh nghiệp, DATC và SCIC đều rất gần nhau, nhằm xóa bỏ sự can thiệp của các cấp quản lý hành chính vào hoạt động kinh doanh của DNNN mà rõ nhất là các quyết định xử lý công nợ và quyết định đầu tư vốn, sử dụng vốn. Thứ hai là tách chức năng chủ sở hữu của các cơ quan quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp bằng việc chuyển giao các DNNN trực thuộc ủy ban tỉnh, thành phố sau cổ phần hóa về SCIC.

Các mô hình trên đều đạt được những mục tiêu nhất định, nhưng cho đến nay đều nửa vời. Mỗi đơn vị đang làm một phần việc của công cuộc cải tổ quản lý vốn nhà nước. Ví dụ, SCIC từng muốn phát triển theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ (Temasek) của Singapore nhưng hiệu quả chưa đi tới đâu, đến nay chỉ nắm được vốn trong một số DNNN nhỏ lẻ sau cổ phần hóa (các DNNN có vốn nhà nước trực thuộc bộ và trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố và không nằm trong các tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước lớn), đồng thời vấp phải sự thiếu hợp tác của một số địa phương. Cục Tài chính doanh nghiệp, DATC, HFIC, HANIF mỗi đơn vị nắm một phần việc quản lý vốn nhà nước ở chỗ này chỗ khác.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Nghị quyết Trung ương 3 khóa 9 của Đảng đề cập đến việc phải quản vốn nhà nước cách đây 20 năm rồi. Trong quá trình thực hiện cải cách DNNN, thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa... chúng ta cũng đã đưa nhiều nội dung và quy định về quản vốn nhà nước vào, trong đó có việc lập ra các mô hình quản lý vốn nhà nước. Hiện có nhiều cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước, từ Chính phủ quản trực tiếp đến Bộ Tài chính, SCIC, các bộ, địa phương... khiến việc này phân tán, không hiệu quả, thậm chí gây thất thoát vốn nhà nước”.

Và đó là lý do để đề án “siêu ủy ban” quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DNNN ra đời với chức năng, nhiệm vụ gần giống Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước 20 năm trước: cũng quản lý, cũng giám sát và cũng là một cấp hành chính đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại DNNN, trong khi những đứa con đã ra đời kia đang bồn chồn vì tương lai chưa biết ra sao.

Nhiều băn khoăn

“Siêu ủy ban” có phải là giải pháp cho các vấn đề rối ren ở trên hay không? Theo các chuyên gia kinh tế, “siêu ủy ban” chưa chắc là giải pháp cho việc quản lý vốn nhà nước nếu không thay đổi trong cách tiếp cận từ gốc rễ.

“Trong số các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, vấn đề theo tôi nghiêm trọng và thách thức nhất là việc tách bạch chức năng sở hữu và quản lý nhà nước. Tầm quan trọng của vấn đề này đã được nhấn mạnh tại “Hướng dẫn của OECD về quản trị doanh nghiệp tại các DNNN”, ông Takahashi Akito, Phó trưởng đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam, nhận xét.

Ông Takahashi Akito cũng cho rằng việc tách bạch hai chức năng nói trên được coi là “điều kiện tiên quyết” để duy trì một sân chơi bình đẳng giữa DNNN và các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời góp phần đảm bảo việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

“JICA muốn nhấn mạnh các vấn đề trên cần được xem xét kỹ lưỡng liên quan đến khái niệm “Ủy ban quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp”. Ngoài ra, quản lý vốn nhà nước còn cần đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, không phải công chức nhà nước và không có tư duy công chức, với ít sự can thiệp hành chính nhất... Cũng cần phải chú ý đến một khía cạnh quan trọng khác để tránh làm phình khu vực công thông qua việc hình thành một cơ quan nhà nước mới. Nếu cơ cấu lợi ích của những bên liên quan được chuyển giao nguyên xi sang ủy ban này, thì coi như không có gì thay đổi”, ông Takahashi Akito nói.

Phải giải quyết triệt để mâu thuẫn trong việc quản lý vốn nhà nước

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Võ Trí Thành, cho biết theo tính toán của CIEM, nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% vốn sở hữu nhà nước thì tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỉ đồng (tương đương 240 tỉ đô la Mỹ). Khối tài sản khổng lồ này đang ngày càng có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát của bộ máy quản lý. “Vốn nhà nước, hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả vốn bằng tiền và tài sản sở hữu toàn dân đưa vào sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp. Những tài sản này, thay vì được tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa để minh định quyền sở hữu, quyền sử dụng, gắn đồng tiền liền khúc ruột, đề cao tinh thần trách nhiệm, trí óc sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng, thì Nhà nước lại ôm đồm nhưng không đủ khả năng quản đến nơi đến chốn, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng và tiêu cực nghiêm trọng”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, luôn có hai vấn đề về sở hữu nhà nước gắn với quản trị DNNN, chỉ có thể cố gắng để giảm thiểu nhưng không bao giờ có thể triệt tiêu được (nếu không thay đổi từ gốc rễ). Thứ nhất là vấn đề người đại diện và chủ sở hữu. Đã là sở hữu nhà nước bao giờ cũng là đại diện, hay nói cách khác vắng “cái thật sự”- vắng ông chủ. Vướng mắc lớn về tư duy quản lý hiện nay nằm ở chỗ quá nặng nề về phân biệt “tài sản ông, tôi”, xem tài sản quốc gia như là của riêng Nhà nước phải quản, nhưng thực ra là “cha chung không ai khóc”. Trong khi đó, yêu cầu số một của cơ chế thị trường là phân bổ nguồn lực một cách tối ưu lại không được quan tâm một cách đầy đủ. Thứ hai là xung đột lợi ích giữa người đại diện và chủ sở hữu.

“Hai vấn đề này là muôn thuở, bởi vậy cần nói để thấy rằng, chúng ta có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa, hoàn thiện quản trị nội tại các doanh nghiệp này là chưa đủ. Phải giải quyết triệt để mâu thuẫn trong việc quản lý vốn nhà nước”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng: “Ý tưởng về thành lập một định chế chuyên trách độc lập làm chức năng đại diện quyền chủ sở hữu chắc chắn không làm thay đổi được thực trạng yếu kém trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước lâu nay, thậm chí sẽ làm cồng kềnh hơn nữa bộ máy quản lý, gây chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng. Cốt lõi của vấn đề lúc này không phải là đi tìm người đại diện hợp pháp, nên hay không nên thành lập một cơ quan độc lập chuyên trách đại diện quyền sở hữu, mà trước hết phải mang lại những thay đổi thực chất trong quản lý tài sản nhà nước, soát xét lại toàn bộ thể chế và bộ máy quản lý hiện hành, những gì không còn phù hợp thì nên sớm sửa đổi, kể cả đổi mới (theo nghĩa xóa bỏ cái cũ) về tư duy, con người, tổ chức cụ thể. Nhà nước cần dũng cảm tự giải phóng mình khỏi áp lực quản lý tràn lan, “ôm rơm nặng bụng”, mạnh dạn chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho những chủ thể có trách nhiệm trong cộng đồng xã hội”.

“Việc Nhà nước nắm giữ tới mức độ nào và tham gia vào các DNNN với tư cách là nhà đầu tư hay vẫn hành xử với tư cách đơn vị chủ quản là câu hỏi lớn, vì nếu Nhà nước có cơ quan mới mà vẫn hành xử theo phương thức cũ thì sẽ ra những kết quả như hiện nay. Nếu chỉ thay đổi tổ chức bên ngoài mà không thay đổi phương thức, nội dung quản lý bên trong, e rằng sẽ khó tránh sai lầm và thường phải trả giá bằng thời gian nhiều năm”, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính, nguyên Phó tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (nay đã nghỉ hưu), ông Phạm Đình Soạn, chia sẻ.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152281/sieu-uy-ban-co-go-duoc-bat-cap-quan-ly-von-nha-nuoc.html/