Siêu máy tính đã có từ thời Hy Lạp cổ đại?

Từ hơn 2.000 năm trước các nhà thiên văn học từ Hy Lạp cổ đại đã tự sáng chế ra 'siêu máy tính' đầu tiên trên thế giới để dự đoán các lần nhật thực.

Chiếc hộp số cổ đại này, với cái tên là cỗ máy Antikythera, được sử dụng để xác định các hiện tượng thiên văn xảy ra theo lịch của người Hy Lạp cổ.

Theo các chuyên gia khảo cổ, các thợ lặn tìm cổ vật đã tình cờ tìm thấy chiếc hộp số bí ẩn này vào năm 1900 khi đang trú ẩn để tránh một cơn bão gần đảo Antikythera. Nó được khai quật từ một con tàu đắm từ thời cổ đại, và các cuộc điều tra khảo cổ tiết lộ rằng vụ đắm tàu xảy ra vào khoảng 2.000 năm trước, trong chuyến hải trình từ Rome đến vùng Tiểu Á.

Trong khi nhìn qua đống đổ nát, họ tìm thấy một thiết bị nhỏ cỡ hộp giấy bao phủ bởi các mặt đồng hồ ở giữa có khoảng 30 bánh răng bằng đồng. Mặc dù vật thể bí ẩn này đã bị oxy hóa thành nhiều mảnh song các nhà khảo cổ đã nhanh chóng phát hiện ra chức năng của vật thể này: Chiếc hộp số tay quay này cho phép các nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại tìm ra được vị trí của mặt trời, mặt trăng và các vì sao ở bất kì thời điểm nào trong tương lai.

“Mặc dù 2.000 năm dưới đáy biển đã ăn mòn chiếc máy tính này, song các nhà khoa học đã phục chế dưới dạng hình ảnh 3D để tiết lộ một số văn tự cổ trên hộp cho thấy hướng dẫn sử dụng chiếc máy này” - theo một nghiên cứu được công bố năm 2016 trên tờ Almagest.

Alexander Jones, Giáo sư về lịch sử khoa học tại ĐH New York (Mỹ) cho biết: “Trước đây chúng tôi chỉ có thể hiểu được từng chữ đơn lẻ, song có rất nhiều chữ bị hiểu sai và nhiều phần bị thiếu giữa các đoạn nhưng bây giờ thì chúng tôi đã khôi phục được hoàn toàn và hiểu được thứ ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại này”.

Nghiên cứu mới cho biết, hộp số có 1 biểu đồ hoàng đạo ở mặt trước cho thấy các hành tinh di chuyển qua các chòm sao khác nhau.

Hơn thế nữa, chiếc máy tính cổ đại này được chế tác vô cùng tinh vi. Cỗ máy Antikythera không chỉ dự đoán được thời gian diễn ra của nhật thực mà còn tiết lộ các đặc điểm của từng nhật thực, như lượng ánh sáng bị che khuất, đường kính góc của mặt trăng (tức góc được bao phủ bởi đường kính của mặt trăng) và vị trí của mặt trăng vào thời điểm nhật thực.

Mặc dù không thể hiểu được hết ý nghĩa của hiện tượng nhật thực trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, song các dẫn chứng cho biết chúng được nhìn như những điềm báo quan trọng. Ví dụ như, nhà sử học cổ đại Herodotus tuyên bố rằng nhật thực của Thales (khoảng 585 năm trước Công nguyên) đã ngăn chặn cuộc chiến giữa vị vua Cyaxares xứ Media và vị vua Alyattes xứ Lydia, khi họ cho rằng bóng tối phủ lên là dấu hiệu của việc ngưng chiến. Tuy vậy, nhiều học giả nghi ngờ về độ thực hư của sự kiện này.

Các nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại cũng sử dụng các sự kiện nhật thực để tính toán khoảng cách giữa các thiên thể trong vũ trụ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/sieu-may-tinh-da-co-tu-thoi-hy-lap-co-dai-3685437-b.html