Siêu dự án thép Dung Quất:Nghi ngại mục tiêu bất động sản

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ nhà đầu tư dự án thép muốn giữ đất, khi chứng minh dự án kém hiệu quả thì xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Lợi ích nhóm

Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp ghi nhận tình trạng những dự án nghìn tỷ bị treo, trùm mền bỏ hoang... Riêng các dự án thép, đã có hàng loạt dự án dở dang, từ dự án nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án thép Vạn Lợi (Hải Phòng, Hà Tĩnh), đến dự án thép tỷ đô Quảng Liên ở KKT Dung Quất (Quảng Ngãi).

Nhận xét về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, một thời gian dài Việt Nam đã buông lỏng quản lý, mạnh ai người nấy tranh thủ xây dựng dự án vì nó đòi hỏi chi phí rất lớn.

Dự án thép Quảng Liên sau 10 năm vẫn chỉ là bãi đất trống với rào, cột ngổn ngang

"Nhưng tôi cho rằng ở đây vấn đề lớn là chúng ta chỉ biết là có dự án nhưng không tính toán hiệu quả cho đầy đủ. Thứ hai, chưa xác định được nguồn vốn cho chắc chắn. Hai yếu tố này dẫn đến các dự án trùm mền, cứ treo ở đó mà không triển khai được, mà càng kéo dài thì lãng phí càng lớn. Đây là bài toán đã đến lúc phải giật mình và nhìn lại. Cái này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng dự án.

Trong xây dựng dự án, phải tránh tối đa lợi ích nhóm vì dự án nào cũng rất nhiều tiền, nên khả năng xảy ra lợi ích nhóm xung quanh việc thành lập và xây dựng dự án là rất lớn. Đành rằng phát triển thì phải có dự án này, dự án nọ, tuy nhiên phải hết sức thận trọng, phải đánh giá cho được hiệu quả của dự án trước khi làm, xác định nguồn vốn cho chắc chắn chứ không phải cứ thế mà xây dựng. Chưa nói đến các dự án mang tính chất tiêu cực là các công ty hợp tác với chính quyền để xí đất, sau đó giữ đất chờ giá đất lên thì chuyển đổi mục đích sử dụng, đẩy giá trị đất tăng lên nhiều lần", ông Ngãi lưu ý.

Trở lại với các dự án thép dở dang của Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, mục đích ban đầu của Việt Nam khi xây dựng các nhà máy thép là để phát triển hàng trong nước, cạnh tranh với hàng nhập và điều đó là tốt. Tuy nhiên, nếu sản phẩm không cạnh tranh được với hàng nhập thì coi như dự án thất bại và yêu cầu bắt buộc đối với chủ đầu tư là phải xác định được chuyện này ngay từ khâu xây dựng dự án, không thể dùng chính sách chặn hàng nhập lại để bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

"Đối với những nhà máy đã xây dựng dở dang, nếu doanh nghiệp khẳng định có thể tập trung vốn để xây dựng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh được với hàng nhập thì tiếp tục, còn nếu thấy chắc chắn thua thì tốt nhất là nên dẹp luôn. Nếu hàng nhập rẻ hơn, tốt hơn người ta sẽ lựa chọn hàng nhập và khi ấy hàng nội chắc chắn thua. Chưa kể, hiện nay thế giới đang khủng hoảng thừa thép, nếu xây dựng thêm thì chỉ có nước lỗ mà thôi", ông Ngãi thẳng thắn.

Nghi ngờ giữ đất để chuyển đổi

Bàn đến dự án thép tỷ đô Quảng Liên ở KKT Dung Quất, trước thông tin Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư dự án ngỏ ý muốn quay trở lại tiếp tục đầu tư cho dự án mà chính họ đã tuyên bố khong có khả năng tài chính để tiếp tục theo đuổi hồi năm 2015, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, động thái của chủ đầu tư có thể liên quan đến sự vận hành của thị trường. Theo đó, thị trường luôn luôn thay đổi nên có thể tập đoàn Đài Loan nhận ra cơ hội, khả năng về nguồn lực và vốn là họ có thì muốn quay trở lại. Tuy nhiên, cũng có thể tập đoàn này trở lại với một tính toán nào khác mà chỉ có họ mới biết được và phía Việt Nam phải thận trọng, kiểm tra rõ điều này rồi mới bàn tiếp.

"Dự án thép Quảng Liên đã dập dình suốt 10 năm nay, nhà đầu tư cứ quây rào xung quanh rồi để đấy, chính quyền thì đã phải bỏ tiền ra để hỗ trợ giải phóng mặt bằng..., nếu xét về trách nhiệm xã hội thì đó là sự lãng phí quá lớn, đặc biệt là vấn đề đất đai.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/sieu-du-an-thep-dung-quatnghi-ngai-muc-tieu-bat-dong-san-3305623/