Siết trên giấy?

“Cuộc chiến” với thức ăn đường phố chính thức “khai hỏa” ngày 20-1, khi Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố bắt đầu có hiệu lực.

Song, khác chuyến “vi hành” trống giong cờ mở kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cách đây không lâu của 2 vị “tư lệnh” lĩnh vực y tế và nông nghiệp, ngày xuất quân thực hiện Thông tư 30 của lực lượng chức năng im ắng tới mức khó nhận biết. Vì thế, không mấy người biết rằng đó là ngày đầu tiên mà thông tư được xem là “lời tuyên chiến với thức ăn đường phố” này có hiệu lực.

Thức ăn đường phố vốn là nỗi quan ngại lớn của người dân, nhất là người dân ở các đô thị lớn ở nước ta. Nhìn vào bề nổi là thức ăn bụi bặm, mất vệ sinh... cùng những vụ ngộ độc do ăn phải thức ăn không bảo đảm vệ sinh. Nguy hại hơn là những thứ độc hại có trong thực phẩm nói chung, thức ăn đường phố nói riêng, ngấm ngầm bào mòn sức khỏe, tích tụ thành các chứng bệnh nan y.

Với thực tế ấy, Thông tư 30 - với những quy định khá chặt chẽ từ quy cách quầy hàng, bán hàng... cho đến chất lượng thực phẩm - được xem là một tấm lá chắn hữu ích để bảo vệ bữa ăn và sâu xa hơn là sức khỏe người dân. Thế nhưng, những người đã kỳ vọng và trông đợi như trên đã không khỏi hẫng hụt khi nhìn vào thực tế ngày đầu tiên Thông tư 30 có hiệu lực. Lướt qua thực tế ở Hà Nội, TPHCM hay các TP lớn khác đều dễ dàng thấy rằng hôm nay vẫn như hôm qua. Cả người bán và người ăn hầu như không biết và cũng không để ý tới những quy định trong thông tư “quản” và “siết” thức ăn đường phố.

Thực ra, đã có không ít ý kiến lo ngại về việc đi vào cuộc sống cũng như phát huy hiệu quả thực tế của Thông tư 30. Bởi trước hết là những quy định trong thông tư này đang cách khá xa so với thực tế “cơm bụi”, “cơm vỉa hè” hiện nay. Do khoảng cách lớn này nên việc siết cho đúng quy chuẩn chắc chắn rất khó khăn trong khi lực lượng để thực hiện chế tài theo quy định lại vừa thiếu và vừa mỏng.

Thế nên, đưa ra quy định “siết” thức ăn đường phố là một chuyện song thực thi và hiệu quả lại là vấn đề hoàn toàn khác. Chuyện tuyên chiến với thức ăn đường phố không an toàn lại khiến liên tưởng tới không ít văn bản, quy định pháp luật chỉ có giá trị trên giấy thời gian qua ở nước ta. Trong đó, điển hình là quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng.

Ban hành các chính sách, quy định, dù tiến bộ và hay ho đến đâu nhưng nếu quá cách xa với thực tế và đặc biệt là thiếu lực lượng triển khai thực hiện thì rất có thể chỉ siết được trên giấy mà thôi.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20130121113914604p1002c1003/siet-tren-giay.htm