Siết kỷ luật khâu kiểm tra, giám sát

Bình luận về việc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII thảo luận, ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: Đảng mạnh hay không là nhờ hai cơ quan của Đảng là tổ chức và kiểm tra.

Ông Vân cho rằng, lần này Trung ương bàn về biểu hiện suy thoái, tự diễn biến là nhằm tiếp tục vấn đề được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đề ra. Nhưng lần này có mức cảnh báo cao hơn, nghĩa là các biểu hiện đó không chỉ phải được khắc phục mà còn có các biểu hiện mới- trong phát biểu của mình Tổng Bí thư đã bày tỏ lo lắng. Thực chất đây là nỗi lo của Ban Chấp hành Trung ương thông qua phát biểu của Tổng Bí thư.

Sự suy thoái ấy tác động đến quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bàn vấn đề vào lúc này là rất nóng bỏng, bắt đúng bệnh nhưng vấn đề là phải bốc thuốc như thế nào? Thang thuốc nào đặc trị?

Theo ông Lê Thanh Vân, tự diễn biến, tự chuyển hóa đã nghiêm trọng hơn vì vậy trong bài phát biểu của mình Tổng Bí thư đã nói “đó là vấn đề sống còn”. Do đó về mặt tổ chức phải rà soát lại cho kỹ để không có khe hở khiến người ta tranh thủ cơ chế.

Nhưng trong tất cả thì con người là quan trọng nhất. Con người ở đây chính là công tác cán bộ, ngoài rà soát lại quy trình thì phải có cơ chế để đánh giá cán bộ một cách khách quan, tính chịu trách nhiệm trong bổ nhiệm cán bộ và kiểm tra công tác này.

“Đảng mạnh hay không là nhờ hai cơ quan của Đảng là tổ chức và kiểm tra. Hai cơ quan này, hai công tác này làm tốt thì “cơ thể” Đảng mới khỏe được. Chứ như hiện nay vẫn đánh giá theo kiểu: Tôi đánh giá anh tốt, thì anh đánh giá tôi tốt. Cho nên phải có tiêu chí cụ thể, thang điểm rõ ràng”-ông Vân nói.

Vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tỉnh Hậu Giang kiểm điểm về vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng cơ quan này kiểm điểm không đến nơi đến chốn để Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc và đưa ra kết luận.

Liên quan đến việc này, ông Vân kể lại câu chuyện của Khổng Tử với hai người học trò của mình về việc đánh giá một con người. Một người hỏi, nếu một người được cả làng nói tốt thì người đó tốt hay xấu? Còn người kia hỏi, nếu một người bị cả làng nói xấu thì người đó tốt hay xấu?

Khổng Tử đã trả lời: Phải xem cái làng đó tốt hay xấu đã. Nếu làng đó tốt thì người được đánh giá đó cực tốt. Còn nếu làng ấy xấu thì người tốt nhất của làng ấy lại trở thành người xấu nhất. Từ câu chuyện trên, ông Vân cho rằng: Để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cần có 3 giải pháp.

Thứ nhất, phải có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ và phải xây dựng được từng hành vi trong công vụ, đánh giá theo kỳ, định lượng hành vi bao nhiêu điểm, trong thang điểm có thang điểm về đạo đức, thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nhiệm vụ công chính là đánh giá năng lực.

“Ví dụ 1 năm có 100 điểm thì được chia ra đánh giá từng loại công việc với lời hứa của anh, anh không làm được thì trừ điểm luôn. Còn thang điểm đạo đức có các loại vi phạm như để cho vợ con vi phạm, bản thân anh sống không nghiêm túc. Nếu một người có điểm số dưới 50% mà tập thể vẫn bỏ phiếu đánh giá là tốt thì phải xem lại tập thể đó. Ở đây còn có trách nhiệm của tổ chức đảng cấp trên phải kiểm tra lại tổ chức đảng cấp dưới trong đánh giá cán bộ.Bây giờ nếu vì dân chủ mà công nhận kết quả bỏ phiếu tập thể và công nhận kết quả đó mà không xem xét hành vi, lợi ích nhóm chi phối, thỏa thuận, thỏa hiệp lẫn nhau, bao che cho nhau thì làm sao tìm được cán bộ tài”-ông Vân nói. Đồng thời lưu ý tính chịu trách nhiệm của cơ quan đề xuất, tham mưu về nhân sự và cơ quan quyết định nhân sự.

Ông Vân chỉ rõ: “Khi có biểu hiện vi phạm, không xứng đáng thì phải xử lý liên đới. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh phải đưa những người tham gia vào quy trình bổ nhiệm đó xử lý kỷ luật nghiêm. Hay thực tế còn có trường hợp Bí thư huyện bằng cấp không đúng với thực tế; có người đứng ra tố cáo mà không xem xét, không giải quyết. Chất lượng cán bộ là ở đấy chứ ở đâu nữa. Cho những người ấy vào bộ máy thì sẽ phá vỡ hệ thống”.

Vấn đề thứ hai theo ông Vân, công tác kiểm tra phải làm thường xuyên định kỳ. Bản thân cơ quan kiểm tra cũng phải siết chặt kỷ luật. Những người đi kiểm tra mà không thực hiện tiêu chí đánh giá cán bộ, chuẩn mực hành vi, chức năng nhiệm vụ của cá nhân, cơ sở đảng thì cá nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm và cần xử lý nghiêm.

Thứ ba là thể chế tổ chức phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ bởi vì bây giờ chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau đang có sự chồng lấn về phối hợp đùn đẩy cho nhau. Phải rạch ròi ra, minh bạch trách nhiệm, quy kết rõ trách nhiệm.

Ví dụ một vấn đề A mà có 2-3 bộ, ngành tham gia vào quá trình ấy đến lúc vỡ lở thì anh nọ đẩy cho anh kia. Hay như Bộ trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm trước việc đề xuất chính sách chứ đưa ra cuối cùng Quốc hội thông qua rồi lại đổ cho Quốc hội và Chính phủ. Vậy ai là người khởi xướng thì phải chịu trách nhiệm chứ!

Cuối cùng ông Vân chốt lại: “Nếu làm tốt 3 điểm này thì tôi nghĩ, suy thoái, tự diễn biến sẽ dần mất đi”.

H.Mai - V.Thắng (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/siet-ky-luat-khau-kiem-tra-giam-sat/127115