'Siết' game lậu qua công cụ thanh toán

Theo thống kê của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có hàng trăm trò chơi trực tuyến (game online) đang được lưu hành, sử dụng không phép trên môi trường mạng tại Việt Nam và phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài phát hành xuyên biên giới. Trước tình trạng đó, cơ quan quản lý cho rằng cần phải 'siết' game lậu qua công cụ thanh toán.

Không ít game online hiện đang lưu hành không phép.

Thất thu thuế vì game lậu

Game online bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ năm 2005. Tính đến trước thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ban hành Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT (ngày 29-12-2014) quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, có tổng cộng 126 game online được phép phát hành tại Việt Nam, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện nay, ước tính có gần 400 game đã phát hành tại thị trường trong nước (gồm game phát hành trên máy tính và game trên điện thoại di động).

Đáng chú ý, theo Thanh tra Bộ TT-TT, trên thị trường còn tồn tại hàng trăm trò chơi không phép. Thực tế, doanh thu của các doanh nghiệp có game được cấp phép phát hành chỉ bằng 70% so với doanh thu thực tế của toàn ngành. Như vậy, 30% doanh thu đang rơi vào doanh nghiệp cung cấp game lậu, đồng nghĩa với việc Nhà nước bị thất thu thuế khá lớn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phát hành game trong nước cho rằng, thực tế game phát hành lậu trên máy tính chiếm đến 45%, game lậu trên thiết bị di động chiếm 40% tổng doanh thu. Không chỉ thất thu thuế, nhiều game do nước ngoài sản xuất còn có nội dung tuyên truyền không đúng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Phó Chánh thanh tra Bộ TT-TT Đinh Tiến Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến game lậu lưu hành phổ biến là các quy định hiện hành đang gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp trong nước có tư cách pháp nhân rõ ràng, có đăng ký kinh doanh và phải có giấy phép nhập khẩu, giấy phép phê duyệt nội dung trò chơi... mới được kinh doanh game, thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ có mỗi việc "tung" lên mạng... Điều đáng nói, bất cập này không dễ giải quyết một sớm một chiều.

Cần ban hành quy định kiểm soát cổng thanh toán

Có một thực tế là doanh nghiệp cung cấp game lậu thu phí người chơi thông qua nhiều hình thức, như mở tài khoản tại ngân hàng, thanh toán trực tiếp bằng thẻ visa, hoặc bằng thẻ cào nạp tiền điện thoại... Như vậy, game lậu dù phát hành xuyên biên giới để kinh doanh tại Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào kênh thanh toán ở ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet.

Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài phát hành game lậu sẽ khó có thể thu hút người chơi ở Việt Nam nếu cung cấp dịch vụ từ máy chủ đặt tại nước ngoài, vì chất lượng đường truyền không ổn định. Do đó, hầu hết game lậu kinh doanh tại Việt Nam đều phải thuê máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. Nói cách khác, hoạt động kinh doanh game từ nước ngoài được gắn với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. Các công ty game nước ngoài được các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng kết nối kênh thanh toán nội địa, "tiếp tay" để kinh doanh game lậu tại Việt Nam, chuyển giá, trốn thuế, vận chuyển tiền tệ qua biên giới trái phép, lừa đảo...

Đáng lưu ý là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng đang hoạt động trái với quy định của pháp luật. Theo lãnh đạo Thanh tra Bộ TT-TT, hiện các nhà mạng cho phép sử dụng thẻ cào điện thoại để thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ, biến thẻ cào điện thoại trở thành phương tiện thanh toán giống như tiền mặt là trái với quy định tại Điều 10, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Việc các doanh nghiệp trung gian thanh toán qua ví điện tử cho phép khách hàng sử dụng thẻ cào điện thoại để nạp tiền vào ví điện tử là không đúng quy định của Điều 9, Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Thêm nữa, việc các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến không nắm được nội dung thanh toán cho dịch vụ gì, dẫn tới tình trạng không thực hiện nghĩa vụ từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Điều này là vi phạm quy định của Điều 9, Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ TT-TT...

Do vậy, kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ kiểm soát được phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp phát hành game lậu. Song để làm được điều này, trước hết cần có quy định, các cổng thanh toán và doanh nghiệp không được hỗ trợ dịch vụ cho game lậu phát hành xuyên biên giới. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, TT-TT nhằm tăng cường quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và trò chơi điện tử trên mạng.

Thanh tra Bộ TT-TT đang phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh game online; đề xuất Bộ TT-TT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ban hành các quy định để quản lý công cụ thanh toán nhằm siết chặt việc quản lý kinh doanh game tại Việt Nam.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/875637/siet-game-lau-qua-cong-cu-thanh-toan