Siết chi tiêu, tăng cường kỉ luật tài chính

Trong phiên thảo luận cuối tuần qua liên quan đến dự toán thu chi NSNN năm 2016 và những năm tiếp theo, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo lắng khi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến không đạt, sẽ gây khó khăn cho thu ngân sách. Trong trường hợp Bộ Tài chính hoàn thành dự toán thu, vẫn cần thiết phải siết lại chi tiêu, giảm chi thường xuyên và tăng cường kỷ luật tài chính để cân đối ngân sách.

Giảm thu thì giảm chi

Cơ cấu thu ngân sách giai đoạn 2016-2020: Chính phủ xây dựng quy mô thu NSNN tăng gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước; tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, phấn đấu tăng từ 67,8% giai đoạn trước lên mức khoảng 87-88% vào cuối giai đoạn.

Cơ cấu chi ngân sách: Chính phủ dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi NSNN theo hướng: Tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN năm 2016 ước tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ước tăng 5,6% dự toán, thu từ dầu thô ước chỉ đạt 72,5% dự toán, thu từ xuất nhập khẩu hụt 2,9% dự toán. Năm 2016 có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, như: Giá dầu giảm, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng; tình hình thiên tai, dịch bệnh; số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh còn lớn; tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch… Chính vì thế, dự kiến chỉ tiêu thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch của Chính phủ đã được nhiều ĐBQH đánh giá cao khi nhận định về vấn đề này.

Lo lắng trước con số này, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH đã phân tích, qua các số liệu chi tiết và qua kết quả giám sát tại một số địa phương cho thấy còn rất nhiều khó khăn, thách thức mới có thể phấn đấu đạt mức dự ước như Chính phủ báo cáo.

ĐB Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong điều hành ngân sách. ĐB cho rằng, những địa phương điều tiết thu về ngân sách Trung ương (13/63 tỉnh, thành phố) là con số khá khiêm tốn, cho thấy “quy mô ngân sách của nước ta còn nhỏ bé”. Đó là chưa kể, tăng thu ngân sách của nước ta hiện chỉ phụ thuộc vào một số địa phương, còn những địa phương dựa vào nông nghiệp thì tăng thu không nhiều. ĐB đề nghị, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, cần siết chặt kỷ luật ngân sách, “vì nước còn nghèo nhưng chi phí công còn lãng phí, phải coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu”. Tỏ ra kiên quyết hơn, ĐB Trần Thanh Mẫn cho rằng, nếu địa phương nào giảm thu, kiên quyết phải giảm chi. ĐB Trần Thanh Mẫn cho biết, đây cũng là đề xuất của người đứng đầu ngành Tài chính tại một số cuộc họp bàn liên quan đến vấn đề này.

Hồi giữa năm 2016, tại hội nghị sơ kết ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã quán triệt nguyên tắc “tăng thu để tăng chi cả khi lập dự toán và điều hành”. Ông cũng đề nghị các tỉnh không đạt chỉ tiêu thu trong năm nay, sang năm cần điều chỉnh giảm chỉ tiêu chi, “không thể cứ chi để gây bội chi ngân sách địa phương rồi chạy lên kêu Trung ương hỗ trợ”. Lời nói thẳng khi đó có thể khiến địa phương không vui, nhưng đến thời điểm này, đó chính là phương châm điều hành của Chính phủ để siết lại chi tiêu, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật ngân sách.

Liên quan đến việc thực hiện dự toán năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ĐBQH Ninh Bình) đã chia sẻ, cần thiết phải có sự vào cuộc của các địa phương trong phối hợp thực hiện với ngành Tài chính. Ngành Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chi ngân sách, hạn chế bội chi và nợ công tăng nhanh.

Phải dự toán thu trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng

Trước báo cáo của Chính phủ, nhiều ĐBQH khá yên tâm với con số đạt dự toán thu năm 2016. Tuy nhiên, phải giải “bài toán” ngân sách ra sao trong những năm tiếp theo phù hợp với tăng trưởng kinh tế, cũng như làm thế nào để giảm chi thường xuyên, siết lại chi tiêu công, giữ nghiêm kỷ luật ngân sách là mối quan tâm của ĐBQH.

2 chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP và xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra, thực sự đã làm khó cho cân đối ngân sách. Thảo luận về vấn đề này, nhiều ĐBQH đồng tình chia sẻ với ngành Tài chính khi phải đảm bảo dự toán thu ngân sách trong bối cảnh cả hai chỉ tiêu quan trọng nếu đều không đạt. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đã là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, lo lắng của các ĐBQH dồn vào những năm tiếp theo khi năm 2017 dự kiến mức tăng trưởng GDP vẫn ở mốc cao là 6,7%. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng các kịch bản tăng trưởng, có thể theo các mốc khác nhau để trên cơ sở đó có dự toán thu- chi phù hợp và chủ động.

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), phải tính đến bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, sự chuyển dịch của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập… đối với dự báo thu- chi trong thời gian tới. ĐB lo ngại năm 2017 nếu vẫn dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 6,7% là khó thực hiện. “Chi bằng dự kiến GDP ở mức khiêm tốn từ 6,3-6,5% rồi tính toán thu- chi ngân sách thì hợp lý hơn. Cứ tính toán thu- chi ngân sách theo mức sàn thấp nhất, nếu tăng trưởng tốt thì chi tiêu tăng lên”, ĐB Vũ Tiến Lộc thẳng thắn đề nghị.

Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, thu ngân sách là thước đo của sự phát triển kinh tế, do đó căn cứ để xác định số thu ngân sách phải dựa trên dự báo của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông cũng bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ huy động từ thuế, phí giảm dần qua các giai đoạn. Nếu như giai đoạn trước đó tỷ lệ này là 27% GDP, thì giai đoạn 2011-2015 đã giảm xuống còn khoảng 20-21% GDP, kéo theo bội chi NSNN tăng.

Năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015 nên việc xây dựng dự toán NSNN có ý nghĩa quan trọng. Tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, để xây dựng dự toán NSNN năm 2017 đảm bảo sát thực tế, cân đối bền vững, chủ động, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng cho rằng: “mục tiêu tăng GDP trên 6,7% là khá cao, có thể dẫn đến rủi ro khi dự báo về chỉ tiêu thu, chi NSNN”. Chính vì vậy, cơ quan này gợi ý Chính phủ có thể nghiên cứu đề xuất với QH 2 phương án: Mức tăng trưởng 6,5% và 6,7%; trường hợp không đạt 6,7% thì Chính phủ cần đổi mới phương pháp điều hành, theo đó sẽ kiến nghị QH điều chỉnh sau 6 tháng thực hiện để đảm bảo các cân đối vĩ mô chắc chắn hơn.

Phải thu đủ mới có nguồn chi cho phát triển, an sinh xã hội

Đó là nhận định của ĐBQH
Phạm Tất Thắng
(ảnh, đoàn Vĩnh Long)
khi trả lời phỏng vấn
Báo Hải quan về
thực hiện các chỉ
tiêu tăng trưởng
và tài chính- ngân sách.

2 quý đầu năm, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với dự kiến, đặc biệt tăng trưởng nông nghiệp âm. Đến quý III đã có khởi sắc nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt kế hoạch. Trong 13 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu tăng trưởng GDP và XK không đạt đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn đề ra chỉ tiêu tăng thu 2,4% so với dự toán là nỗ lực, quyết tâm lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính trong đảm bảo cân đối về thu- chi ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu giảm sâu và trong quý III-IV vẫn có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế. Đảm bảo dự toán thu, mới có nguồn chi, nhất là chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội.

Để thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, theo ông, có cần phải xây dựng kịch bản tăng trưởng, từ đó có dự toán thu, chi phù hợp, tránh bị động trong chỉ đạo, điều hành?

Tôi đã tiếp cận bước đầu báo cáo của Chính phủ về mô hình tăng trưởng, hiện nay trong báo cáo của Chính phủ đã nêu 2 kịch bản, còn kịch bản thứ 3 chưa nêu rõ. Tuy nhiên, tinh thần là Chính phủ đã tính toán cân nhắc khá kỹ điều kiện thực tế của kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới cũng như trong khu vực và dự báo cho 5 năm tới. Và có tính đến yếu tố quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành. Tôi cho đó là kịch bản khả thi. Để thực hiện được điều đó, cần có giải pháp cụ thể hơn nữa. Trong đó có yếu tố quan trọng chưa được nhấn mạnh đó là tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của ta khá thấp, hiệu quả đầu tư công cũng thấp. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế liên quan đến 2 yếu tố: Nguồn lực đầu tư và nguồn lực con người, chưa được làm rõ trong giải pháp của Chính phủ.

Bên cạnh việc Chính phủ phân công lại quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD & ĐT sang Bộ LĐTB & XH, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ cơ cấu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chú trọng chất lượng đào tạo của đội ngũ lao động trong đó có giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đặc biệt, phải gắn nhu cầu sử dụng của nền kinh tế với khả năng đào tạo, đáp ứng đủ số lượng với chất lượng tốt để tăng năng suất lao động. Phải coi đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

Trần Thắng (thực hiện)

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/siet-chi-tieu-tang-cuong-ki-luat-tai-chinh.aspx