Siết chặt tiêu chuẩn công chứng viên

Theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An): "Công chứng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công việc".

Theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An): "Công chứng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công việc".

Đại biểu Đinh La Thăng - Họp tổ Thanh Hóa

Chiều 12/11, QH đã dành phần lớn thời gian để các đại biểu thảo luận về dự án Luật công chứng (sửa đổi). Đa số các ý kiến cho rằng, dự thảo cần quy định chặt chẽ, cụ thể các tiêu chuẩn của công chứng viên, quy định thành lập văn phòng công chứng, cũng như quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người hành nghề công chứng.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng, công chứng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định một số đối tượng được miễn đào tạo nghề, miễn tập sự nghề công chứng như thẩm phán, điều tra viên, luật sư đã hành nghề từ 3 năm trở lên, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án...

"Thực tế, thời gian qua, có những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ khi được bổ nhiệm chuyển sang hành nghề công chứng viên chỉ thực hiện các vụ án hình sự. Trong khi công chứng viên chủ yếu chứng nhận các hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại. Do đó, dự thảo nên quy định bắt buộc tất cả các đối tượng đều phải qua đào tạo mới được công nhận và hành nghề", đại biểu tỉnh Long An đề nghị.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Tổ Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo quy định, công chứng viên chứng nhận tính xác thực của bản dịch là vấn đề cần được xem xét và cân nhắc, bởi tính khả thi. "Thực tế hiện nay, có không ít công chứng viên không biết hoặc không thông thạo ngoại ngữ. Trong khi nhu cầu công chứng bản dịch ngày càng lớn do tác động của hội nhập kinh tế. Do vậy, nếu đưa quy định này vào dự thảo, cần quy định rõ trách nhiệm của người dịch đối với văn bản theo hợp đồng được ký kết đối với tổ chức công chứng", ông Thủy nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng: Chất lượng bản dịch phụ thuộc vào người dịch chứ không phải người chứng thực. Theo ông Hiến, "công chứng là hoạt động tư pháp dịch vụ nhưng là cung cấp dịch vụ công. Công chứng là lấy quyền công để làm chứng và trách nhiệm pháp lý của công chứng viên, giá trị pháp lý của văn bản công chứng rất cao. Công chứng viên được nhà nước trao quyền làm chứng vì thế họ phải có trình độ luật, được đào tạo hoặc bồi dưỡng nghề, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm", đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Đưa ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận của các văn phòng công chứng hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khẳng định: nguyên nhân quan trọng nhất quyết định chất lượng công chứng là công chứng viên.

"Nhưng trong báo cáo tổng kết 5 năm Luật công chứng nhận định, phần lớn các công chứng viên yếu kém là những đối tượng được miễn đào tạo và miễn tập sự hành nghề. Đây là một chức danh tư pháp, do nhà nước bổ nhiệm để thực hiện những dịch vụ công nhân danh nhà nước, là là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn sâu và trách nhiệm pháp lý cao, do đó cần phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chứng viên. Đề nghị QH quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn công chứng viên để nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Ví dụ, chỉ nên cho hành nghề đến 60 tuổi, đồng thời bỏ quy định miễn đào tạo nghề đối với một số đối tượng như dự thảo, bà Thúy đề xuất.

Tại khoản 3, điều 35 của dự thảo luật quy định: các tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước. Quy định như trên làm cho tình trạng lôi kéo khách hàng, công chứng dạo của các văn phòng công chứng có cơ hội phát triển, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, làm mất đi sự nghiêm túc của việc thực thi quyền lực công. Hệ quả là chất lượng dịch vụ công chứng không đảm bảo. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng tàu)

Minh Tiến

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chinh-tri/201311/siet-chat-tieu-chuan-cong-chung-vien-414061/