Shin Dong-joo, kẻ thua cuộc

Tỉ phú Shin Dong-joo không phải là doanh nhân hạng vừa. Tuy nhiên, ông đang gặp nhiều bất lợi trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Tập đoàn Lotte với em ruột Shin Dong-bin và cuộc chiến pháp lý với Viện Công tố Seoul

So về học lực, ông Shin Dong-joo, năm nay 62 tuổi, không hề thua kém Shin Dong-bin, 61 tuổi. Giống như em ruột, ông cũng lấy bằng cử nhân kinh tế ở Đại học Aoyama Gakuin (Nhật) và bằng MBA ở Đại học Columbia (Mỹ).

Tài sản cá nhân của ông tính đến tháng 7-2016 là 1,21 tỉ USD. Theo Forbes, ông hiện đứng thứ 24 trong số 50 người giàu nhất Hàn Quốc và thứ 1.476 trong danh sách tỉ phú thế giới 2016.

“Chiến tranh giữa các hoàng tử”

Ông Dong-joo đang tiến hành 2 cuộc chiến quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Cuộc chiến thứ nhất là đối đầu em ruột Dong-bin, đương kim chủ tịch Tập đoàn Lotte, liên quan đến việc kiểm soát Lotte Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong cuộc chiến này, ông Dong-joo có lợi thế là con cả. Theo truyền thống của Hàn Quốc cũng như các nước Đông Á, việc ông thừa kế tài sản của cha là lẽ thường tình. Dong-joo lại được cha - ông Shin Kyuk-ho, người sáng lập Lotte - ủng hộ hết mình.

Điều không may là ông Dong-joo có người em không chấp nhận cái lẽ thường tình ấy. Trong mắt ông Dong-bin, ông Dong-joo là một thủ lĩnh quá bảo thủ, thiếu tầm nhìn chiến lược để đưa tập đoàn lên tầm cao mới. Nhận định này không phải không có cơ sở, theo chuyên gia Kim Sang-jo, thuộc Tổ chức Đoàn kết cải cách kinh tế ở Seoul - Hàn Quốc.

Cách đây 20 năm, tài sản Lotte Nhật Bản của ông Dong-joo và Lotte Hàn Quốc của ông Dong-bin như nhau. Thế nhưng, đến năm 2015, doanh thu của Lotte Hàn Quốc đạt 72,8 tỉ USD, trong khi Lotte Nhật Bản chỉ 2,6 tỉ USD.

Chuyện gì đã xảy ra? Ông Sang-jo giải thích: “Ông anh cả quá thụ động. Ông ấy trung thành với ngành bánh kẹo của cha, không dám lấn sang ngành khác theo chiến lược M&A (sáp nhập và mua bán). Trong khi đó, người em năng động đầu tư vào khách sạn, siêu thị, hóa chất, điện tử, xây dựng, công viên giải trí, thể thao... trong và ngoài nước. Cung cách làm ăn này cũng khác ông Kyuk-ho, người chưa bao giờ nghĩ tới việc mở rộng Lotte ra khỏi biên giới Hàn Quốc”.

Cựu Phó Chủ tịch Lotte Holdings Nhật Bản Shin Dong-joo Ảnh: Kyodo

Theo tạp chí Forbes châu Á, Lotte Hàn Quốc giờ đây trở thành công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn thứ 5 ở xứ kim chi, tăng 5 bậc so với 10 năm trước, với tổng số nhân viên trong nước là 120.000 người và trên 60.000 người ở nước ngoài. Trong khi đó, Lotte Nhật Bản chỉ có 4.500 người. Những con số rất ấn tượng này chắc chắn đã ảnh hưởng lớn tới cổ đông cũng như các thành viên HĐQT của Lotte Hàn Quốc và Lotte Nhật Bản.

Cuộc chiến Dong-joo - Dong-bin đạt đỉnh điểm vào tháng 1-2015. Khi ấy, ông Dong-bin - với sự hỗ trợ của 2 bà chị cùng cha khác mẹ và các thành viên HĐQT - đã thành công trong việc hất cẳng anh mình khỏi vị trí lãnh đạo công ty mẹ Lotte Holdings và các công ty con ở Nhật Bản.

Tất nhiên, ông Dong-joo không dễ dàng chịu thua. Từ tháng 7-2015 đến tháng 3-2016, ông tiến hành một loạt chiến dịch giành quyền kiểm soát Lotte ở Nhật và Hàn Quốc với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cha. Thế nhưng, ngay cả các thành viên người Nhật trong HĐQT Lotte Holdings cũng bỏ ông. Họ bầu ông Dong-bin làm chủ tịch HĐQT đồng thời đẩy 2 cha con ông Dong-joo ra khỏi các vị trí lãnh đạo. Riêng ông Kyuk-ho còn bị con trai thứ truất luôn quyền lãnh đạo khách sạn Lotte và công ty bánh kẹo Lotte mà ông là người sáng lập.

“Cuộc chiến giữa các hoàng tử” đến giờ, theo nhà báo Donald Kirk ở tạp chí Forbes, tuy chưa kết thúc nhưng ông Dong-joo hầu như không có cơ hội chiến thắng.

Không được “ngồi không ăn lương”

Trong cuộc chiến với Viện Công tố Seoul, ông Dong-joo cũng gặp không ít bất lợi. Nhật báo The Korea Herald cho biết cựu phó chủ tịch Lotte bị điều tra về tội tham ô ngân quỹ của tập đoàn từ tháng 6-2016.

Ngày 1-9 vừa qua, ông Dong-joo bị Viện Công tố Seoul triệu tập để thẩm vấn. Trong thời gian điều tra, ông không được xuất cảnh khỏi Hàn Quốc. Vị “hoàng tử” thất sủng bị cáo buộc nhận 40 tỉ won (36 triệu USD) từ 7-8 công ty con của tập đoàn từ năm 2006 đến 2015 mặc dù không làm gì cả. Dong-joo nhận được lương và bổng lộc đơn giản vì ông có tên trong ban giám đốc công ty, đặc biệt là những đơn vị bề thế như khách sạn Lotte, công ty xây dựng - thiết kế công trình Lotte và công ty Lotte International.

Theo quan điểm của cơ quan điều tra, tuy mang danh giám đốc nhưng không làm gì mà hưởng lộc lớn là một hành vi tham ô. Ông Dong-joo đã bác bỏ lập luận này. Theo ông, đó là một thứ “luật bất thành văn” rất phổ biến trong giới tập đoàn Hàn Quốc. Con cái những ông chủ tập đoàn gia đình đều được hưởng lương vì có tên trong ban giám đốc các công ty con. Vậy thì tại sao chỉ có ông bị “vịn”? Hơn nữa, ông được chính thức bổ nhiệm vào ban lãnh đạo các công ty, cho nên cáo buộc tham ô quỹ tập đoàn là không có cơ sở. Ông Dong-joo tuyên bố sẽ kháng cáo.

Tuy nhiên, theo Viện Công tố Seoul, “luật bất thành văn” nêu trên giờ đây đã lỗi thời, cần phải thay đổi theo nguyên tắc “có làm mới có ăn” chứ không được “ngồi không ăn lương”. Con cái ông chủ có quyền hưởng lương nếu thực sự tham gia công tác điều hành, nếu không thì chỉ có thể được chia cổ tức như một cổ đông bình thường.

Ngoài tội tham ô vừa kể, ông Dong-joo còn bị điều tra về việc lập quỹ đen và trốn thuế. Điều đáng nói là Lotte Hàn Quốc của em ruột ông thay vì bảo vệ máu mủ lại ra thông báo “tôn trọng quyết định” của Viện Công tố Seoul!

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10

Từ bỏ tên Nhật

Một trong những nỗ lực củng cố vị thế ở Hàn Quốc trong cuộc chiến với người em Dong-bin là ông Dong-joo từ bỏ tên Nhật Hiroyuki Shigemitsu hồi tháng 10-2015 để trở thành giám đốc Kojyunsya - công ty cổ phần lớn nhất của Lotte Holdings, nắm giữ 28,1% cổ phần.

Khi làm thủ tục thành lập Kojyunsya, ông Dong-joo cũng thay đổi chỗ ở thường trú từ Sibuya - Nhật Bản đến Seongbuk-gu, Seoul. Thế nhưng, ngay cả động thái này cũng không giúp ông chiến thắng trong “cuộc chiến giữa các hoàng tử”.

NGUYỄN CAO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/shin-dong-joo-ke-thua-cuoc-20161011222432803.htm