Sherilyn McCoy: Cứu tinh của Avon

Tân Tổng Giám đốc Sherilyn McCoy của Avon

Đó chính là điều nhà đầu tư lo ngại khi thứ Hai tuần qua, Avon tuyên bố McCoy sẽ trở thành Tổng Giám đốc (CEO) thay cho Andrea Jung, người vẫn sẽ giữ chức Chủ tịch Điều hành trong 2 năm tới. Thế nhưng, McCoy có thể là người mà Avon cần trong lúc này.

Thiếu kinh nghiệm về bán hàng đa cấp

Khi chính thức đảm nhiệm vị trí mới tại Avon vào ngày 23.4 tới, McCoy chắc chắn sẽ mang đến một số “tài sản” đáng giá cho tập đoàn mỹ phẩm này: Bà từng là Phó Chủ tịch Johnson & Johnson (J&J), tập đoàn sản xuất dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Mỹ có doanh thu lên tới 65 tỉ USD mỗi năm (so với 11,3 tỉ USD của Avon). Ở vị trí này, McCoy đã giúp giám sát các hoạt động toàn cầu phức tạp của J&J, một tập đoàn đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt của thuốc phiên bản cũng như hàng loạt vụ thu hồi sản phẩm đầy tai tiếng. Bà cũng có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và từng điều hành mảng marketing các nhãn hàng chăm sóc da của J&J như Neutrogena, Aveeno and Lubriderm, Clean & Clear và RoC.

Trên hết, McCoy được đánh giá là người có tài, có kinh nghiệm điều hành toàn cầu cùng với khả năng vạch ra chiến lược. Trong một thông báo về việc McCoy ra đi, Tổng Giám đốc Bill Weldon của J&J nhận xét: “McCoy đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của bộ phận dược phẩm cũng như tiêu dùng của J&J”. Còn Fred Hassan, một nhà điều hành cấp cao tại Avon, thì hết lời ca ngợi McCoy “là người có sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ năng điều hành đã được gọt giũa và khả năng vạch ra chiến lược. Không những thế, bà đã nhiều lần đưa J&J lội ngược dòng thành công”.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, McCoy lại là sự lựa chọn gây nhiều nghi ngại. Bà xuất thân là nhà nghiên cứu khoa học, một kỹ sư hóa chất đã giành được 4 bằng sáng chế Mỹ và cả cuộc đời sự nghiệp của bà chỉ dành cho ngành dược phẩm. Mặc dù bà có một số kinh nghiệm tại bộ phận hàng tiêu dùng của J&J, nhưng đó chỉ là một mảng nhỏ gồm một số sản phẩm như kem trị mụn và dầu gội đầu trẻ em. Trong khi đó, Avon lại có một danh mục đa dạng từ các loại mỹ phẩm cho đến trang sức dành cho phụ nữ.

Mặt khác, kinh nghiệm về marketing và lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp của McCoy không phải là nhiều. Hơn nữa bà thiếu kinh nghiệm về bán hàng đa cấp, mô hình kinh doanh đã khiến Avon nổi tiếng. Đây sẽ là một trở ngại lớn cho vai trò mới của bà ở tập đoàn mỹ phẩm này. Các nhà đầu tư cũng nghĩ như vậy. Giá cổ phiếu của Avon đã giảm 3,3% còn 22,64 USD/cổ phiếu vào thứ Hai tuần qua sau khi thông tin McCoy trở thành CEO được công bố.

Luồng gió mới tại Avon

Tuy nhiên, vào lúc này, McCoy có thể là luồng gió mới đối với một công ty đang gặp nhiều sóng gió khi phải đối mặt với các cuộc điều tra liên bang về hối lộ, doanh số bán giảm xuống cùng với những thách thức trong mô hình bán hàng đa cấp. Đó là chưa kể đến việc tương lai của Avon đang trở nên không chắc chắn trước vụ chào mua mang tính thâu tóm 10 tỉ USD của đối thủ Coty. Hội đồng Quản trị Avon đã bác bỏ lời đề nghị chào mua với giá 23,35 USD/cổ phiếu gần đây của Coty (cao hơn giá thị trường 20%) vì cho rằng mức giá này là quá thấp. Tuy nhiên, Coty sẽ tiếp tục lượn lờ chờ cơ hội để thâu tóm Avon nếu sắp tới, giá cổ phiếu của Avon vẫn không tăng. Chính thời khắc khó khăn này là lúc Avon cần đến McCoy, một người rất giỏi trong đàm phán và dàn xếp thương vụ và đặc biệt là rất giỏi lội ngược dòng.

Khi bà đảm nhiệm bộ phận dược phẩm của J&J vào năm 2009, Tập đoàn đã bị mất bảo hộ bản quyền sáng chế đối với các loại thuốc chữa bệnh động kinh và bệnh tâm thần phân liệt, vốn chiếm tổng cộng khoảng 7 tỉ USD trong doanh số bán của Tập đoàn. Sự hết hạn bản quyền các loại thuốc này đã khiến cho doanh thu của J&J sụt giảm mạnh.

Để giải quyết vấn đề, McCoy đã theo đuổi các thương vụ thâu tóm và hợp tác. Một trong những vụ đặt cược lớn nhất của bà là bỏ ra 953 triệu USD mua lại Cougar Biotechnology - mức giá được cho là quá đắt đối với một công ty mới thành lập phải mất nhiều năm mới có thể tạo ra một sản phẩm có thể thương mại hóa. Nhưng vụ đặt cược của McCoy đã đơm hoa kết trái vào tháng 4.2011 khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thuốc ung thu tuyến tiền liệt Zytiga của Cougar. Chuyên gia phân tích Larry Biegelson của Wells Fargo ước tính rằng Zytiga có thể tạo ra doanh số bán hằng năm 800 triệu USD vào năm 2015. Không chỉ Zytiga, nhiều loại thuốc mới của J&J cũng đã được phê duyệt trong đó có Incivo (trị viêm gan C), Xarelto (thuốc loãng máu). Đến cuối năm 2011, bộ phận dược phẩm đã phục hồi. Doanh số bán đã tăng lên 24,4 tỉ USD vào năm 2011, sau 2 năm liên tiếp bị sụt giảm.

Hiện nay, thách thức trước mắt đối với McCoy lại liên quan đến vấn đề pháp lý. Avon đang bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và các công tố viên liên bang Mỹ điều tra về vụ Công ty hối lộ các quan chức tại Trung Quốc và có thể cả tại một số nước khác nữa. Vụ bê bối này đã khiến một số lãnh đạo cấp cao của Avon phải ra đi. Trong đó, Charles Cramb đã bị mất chức Phó Chủ tịch. Còn Andrea Jung cũng vì chuyện này mà phải rời chiếc ghế CEO đã nắm giữ từ năm 1999. Không chỉ vậy, Avon còn dính vào một vụ kiện cổ đông khi bị cáo buộc là không hề xem xét lời đề nghị mua lại của Coty.

Liệu McCoy có thể giúp Avon đoạn tuyệt với quá khứ đen tối này? McCoy có thể sẽ làm được vì bà đã quá quen với việc xử lý những rắc rối về pháp lý trong quá trình thiết lập các bộ phận mới tại J&J cũng như giải quyết khủng hoảng tại công ty này.

Một điều quan trọng nữa là McCoy đã điều hành rất thành công các cơ sở của J&J tại Mỹ Latinh. Bà cũng là nhạc trưởng làm nên không ít vụ lội ngược dòng thành công trong suốt 30 năm làm việc tại J&J. Theo một nguồn tin thân cận tại J&J (không muốn nêu tên), McCoy có khả năng đề ra chiến lược một cách nhanh chóng, loại bỏ đối thủ và có thể quy tụ mọi người trong công ty cùng hướng về mục tiêu chung.

Thậm chí, mối lo ngại về khả năng của McCoy trong việc điều hành một tập đoàn có lực lượng bán hàng tới 6,4 triệu phụ nữ của Avon cũng có thể là hơi thái quá. Mặc dù chưa bao giờ điều hành một số người đông đảo như vậy, nhưng chắc chắn là bà đã quen thuộc với việc giám sát tình hình bán hàng thông qua đội ngũ kinh doanh. Lực lượng bán hàng trực tiếp của Avon đóng vai trò quan trọng đến nỗi phát ngôn viên Jennifer Vargas của Avon đã nói đó là lý do chính vì sao Công ty vẫn để cho Andrea Jung ở vị trí Chủ tịch Điều hành trong 2 năm tiếp theo. “Bà ấy quan hệ rất tốt với đội ngũ bán hàng. Vì thế, bà vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong Công ty”, Vargas cho biết.

Và có thể đây chính là thách thức lớn nhất đối với vị tân CEO của Avon. McCoy rõ ràng phải cần đến các cựu chiến binh lão luyện trong ngành mỹ phẩm để có thể chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, việc có một vị cựu CEO vẫn còn là chủ tịch là điều mà hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều muốn tránh. Trong khi đó, nguyên CEO Andrea Jung lại là một người nổi tiếng. Vì thế, McCoy sẽ không dễ dàng tạo chỗ đứng cho mình tại Avon một khi Jung vẫn còn là người đứng đầu Hội đồng Quản trị.

McCoy tỏ ra rất tự tin cho rằng mình có thể giải quyết các vấn đề của Avon. Hơn nữa, sự hiểu biết tường tận về ngành cũng không phải là điều kiện nhất thiết phải có đối với một nhà lãnh đạo. Như trường hợp của Joe Jimenez. Ông đến với Novartis sau khi điều hành bộ phận hàng tiêu dùng của Heinz. Dù không phải là nhà nghiên cứu, nhưng ông vẫn hiểu được tầm quan trọng của việc tài trợ cho nghiên cứu. Tuy nhiên, liệu McCoy có trở thành nhà marketing tài giỏi, nhạy bén về các xu hướng chăm sóc sức đẹp trên thế giới hay không thì vẫn còn phải chờ xem.

(Theo BW và WSJ)

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12139