Sex trong văn chương: mong manh 'sex đẹp' và 'sex... dơ'

Sex là gia vị hấp dẫn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng sex trong văn chương có sự cộng hưởng từ óc tưởng tượng của người đọc.

MC của buổi talkshow Sex trong văn chương tối 24/6 vừa qua, do nhà sách Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội, đã nói vui rằng: nếu không phải chủ đề hôm nay quá “nóng” thì chắc khó lòng kéo được các độc giả trẻ đến ngồi chật kín hội quán Nhã Nam vào một tối cuối tuần mưa gió.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (thứ hai từ trái sang) và tiến sĩ Đào Lê Na (đang phát biểu) trong buổi trò chuyện về chủ đề Sex trong văn chương - Ảnh: MINH TRANG

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (thứ hai từ trái sang) và tiến sĩ Đào Lê Na (đang phát biểu) trong buổi trò chuyện về chủ đề Sex trong văn chương - Ảnh: MINH TRANG

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, tác giả trẻ sinh năm 1984, tác giả của hàng loạt đầu sách như Nho đắng, Tay chị tay em, Sa mạc và những vết nhớ… thừa nhận:

“Một trong những cuốn sách tôi nhận được nhiều lời khen nhất là Cơn lũ chưa qua, trong đó chương mà độc giả của tôi nói họ thích nhất là chương về cảnh làm tình của hai nhân vật trong truyện”.

Nói thế để hiểu, không cần lăn tăn gì nữa, sex đương nhiên có sức hút rất lớn đối với độc giả, thế nên không tính những người viết dùng sex như chiêu trò câu khách rẻ tiền, không hề để lại ý tứ văn chương nào trong đầu người đọc thì với những người viết chân chính, dùng sex trong văn chương “y như người đi trên dây” - nhà văn Kim Hòa nói.

“Cảnh sex xảy ra khi hai nhân vật của tôi: một người nhiễm HIV, một người là gái làng chơi. Nhưng họ yêu nhau thật sự! Tôi muốn đẩy sự bi kịch của hai thân phận này bằng một cảnh làm tình, và viết mà bản thân mình cũng còn cảm thấy run”, Kim Hòa chia sẻ dưới góc độ của một người cầm bút.

Một trong những quan điểm được các diễn giả của cuộc trò chuyện lần này thống nhất là trong văn chương không có giới hạn của sex.

Sex là gia vị hấp dẫn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng sex trong văn chương có sự cộng hưởng từ óc tưởng tượng của người đọc. Lằn ranh giữa “sex đẹp” và “sex dơ” trong sách vở, do vậy cũng mong manh hơn...

Thuần phong mỹ tục là gì? Nhiều người trong chúng ta nói nhưng không hiểu, đó là một định mức đặt ra để giới hạn bản thân.

Tuy nhiên trong văn chương, trong sự sáng tạo không giới hạn của người viết, chẳng có định mức nào quy định: một cảnh sex viết bao nhiêu là đủ?

Đủ ở đây chỉ dừng lại khi nó diễn đạt được trọn vẹn thông điệp và mong muốn của người viết.

Tiến sĩ Đào Lê Na bày tỏ cái nhìn của chị về điều gọi là thuần phong mỹ tục khi viết về những cảnh sex trong văn chương.

Buổi trò chuyện trở nên vui vẻ và cởi mở hơn khi rất nhiều cánh tay giơ lên đặt câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ: “Em chưa sex lần nào, nhưng cho em hỏi…” khiến nhiều người không khỏi bật cười.

Nhưng rõ ràng đây cũng là một thực tế khiến nhiều người băn khoăn: rằng người viết về sex có nhất thiết cần phải có những trải nghiệm thực tế hay không, những tác giả trẻ viết về sex thì sao?

Tiến sĩ Đào Lê Na nhấn mạnh, sex trong văn chương có từ xa xưa, trong thần thoại Hy Lạp, trong ca dao, tục ngữ, thậm chí trước năm 1975 còn có phong trào văn chương làm tình trên sách báo bởi người ta muốn dùng sex như một cách giải phóng bản thân mình.

Người viết có thể viết từ trí tưởng tượng cá nhân, cũng có thể viết từ những trải nghiệm cuộc sống.

Ở Việt Nam, nhiều độc giả có thể thích hoặc không thích sách của nhà văn người Nhật Haruki Murakami, nhưng phải thừa nhận ông là một cây bút viết về sex mạnh bạo và cũng đầy uẩn ức.

Ở khía cạnh của những độc giả, tiếp nhận một cuốn sách, một tác phẩm là chấp nhận một cuộc chơi. Mỗi người sẽ có cách tiếp nhận, quan điểm và gu thẩm mĩ khác nhau về nghệ thuật.

“Đơn giản lắm nó giống như việc bạn vào một tiệm gốm tìm mua một cái đĩa. Có người chỉ chăm chăm tìm một cái đĩa để đựng thức ăn thôi. Nhưng có người trong quá trình tìm đĩa thì lại thấy nó đẹp quá, họ quyết định không đựng thức ăn nữa mà sẽ dùng để trưng bày.

Người đọc về sex cũng thế, tùy vào kiến thức, cách nhìn, mục đích đọc mà họ thấy nó hay hay dở. Quan trọng nhất là cách viết, là ngôn ngữ, là khả năng xử lý của người viết phải đủ tốt để dẫn dắt người đọc”, tiến sĩ Đào Lê Na dẫn giải.

Tiến sĩ Đào Lê Na, giảng viên Khoa Văn học ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng nếu có những tranh cãi về sex trong văn chương thì độc giả đừng nên đặt vấn đề sex trong tác phẩm đó xuất hiện với tần suất dày hay mỏng, mà hãy đánh giá cả tác phẩm đó hay hay dở?

"Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của người viết trong những cảnh đặc tả này có đủ sức lôi cuốn người đọc hay không? Nên nhớ sex hấp dẫn thật đấy, nhưng viết hay về sex rất khó. Trước đây cuốn sách Sợi xích từng bị thu hồi, tôi cho rằng đó là do bút lực của người viết không đủ mạnh, chạm vào một đề tài như sex nhưng không đủ sức để viết tới nơi chứ không phải là lỗi sex”, chị nói ./.

Theo Minh Trang/ Tuổi Trẻ

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/sex-trong-van-chuong-mong-manh-sex-dep-va-sex-do-639684.vov