Sếp Zalo gửi thư cho nhân viên quyết tái cấu trúc để tiến vào mobile

Trong bức thư gửi cho toàn bộ nhân viên cách đây không lâu, người sáng lập của Zalo – Vương Quang Khải đã công bố quyết định tái cấu trúc mang tính bước ngoặt để dồn lực cho mảng mobile. Đây có thể đánh giá là lần tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử 9 năm phát triển Zing/ Zalo.

founder của Zalo – Vương Quang Khải

founder của Zalo – Vương Quang Khải

Theo đó, đơn vị Internet của VNG sẽ đổi tên thành Zalo Group. Nhóm này nắm giữ nhiều sản phẩm công nghệ quan trọng như Zalo, Zing MP3, ZingTV, báo điện tử Zing.vn, Baomoi, Laban. Đồng thời với việc đổi tên, ông Vương Quang Khải cũng bổ nhiệm ông Đào Ngọc Thành và ông Nguyễn Quang Nam vào lần lượt vị trí Product Director (có trách nhiệm điều hành mảng sản phẩm trong Zalo Group) và Technical Director (phụ trách chung mảng kỹ thuật trong Zalo Group).

Trước khi trở thành Product Director, ông Đào Ngọc Thành chính là Product Manager của sản phẩm Zalo, là nhân vật đóng vai trò quan trọng bậc nhất vào sự thành công của ứng dụng này ở thời điểm hiện tại. Ông Nguyễn Quang Nam trước là Technical Manager, người đứng sau hệ thống kỹ thuật phức tạp với sức chịu tải lên đến hàng chục triệu người dùng của tất cả sản phẩm Zalo, ZingTV, Zing.vn, Zing MP3, Laban, Baomoi.

Trong thư, ông Vương Quang Khải cũng nhắc đến mảng kinh doanh liên tục tăng trưởng 50% mỗi năm dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Anh Tuấn. Ông Tuấn hiện là giám đốc điều hành Adtima, phụ trách khai thác kinh doanh nền tảng Zalo và các sản phẩm vệ tinh trên hệ sinh thái này như ZingTV, Zing MP3, Zing.vn, Baomoi. Trước khi nắm giữ cương vị này, ông Nguyễn Anh Tuấn chính là CEO của công ty Epi Technology, đơn vị đang cung cấp giải pháp điện tử cho rất nhiều tờ báo. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng là nhà sáng lập nên Baomoi.com.

Đây có thể đánh giá là lần tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử 9 năm phát triển Zing/ Zalo. Thay đổi này gợi nhớ đến việc tái cấu trúc của Google vào tháng 8/2015 khi Larry Page quyết định nhường vai trò lãnh đạo Google cho Sundar Pichai và thành lập nên công ty mẹ Alphabet, trực tiếp quản lí công ty này. Việc tái cấu trúc khi đó được giới công nghệ đánh giá sẽ giúp Page và Brin có nhiều thời gian tập trung vào việc phát triển các sản phẩm công nghệ khác còn Google sẽ tiến nhanh hơn nhờ sự tập trung của Sundar Pichai.

Sau đây là nội dung thư của ông Vương Quang Khải gửi nhân viên

"Các bạn thành viên thân mến,

Từ ngày ra mắt Zing giữa năm 2007, chúng ta đã cùng đi một hành trình dài và nhiều cảm xúc. Chúng ta cùng lướt trên những làn sóng online từ forum, chat, news, media tới SNS, OTT. Chúng ta cùng trải nghiệm sự bùng nổ của Internet Việt Nam từ 15 triệu người dùng trên PC tới hơn 50 triệu người trên các nền tảng mobile. Chúng ta cùng chứng kiến sự lên ngôi rực rỡ của SNS, OTT hay sự thoái trào nhanh chóng của Yahoo, Forum.

Trước cơn sóng thần mobile Internet cách đây 4 năm, chúng ta đã kịp thời chuyển mình từ web portal trở thành công ty công nghệ mobile. Đến nay, Khải rất tự hào khi chúng ta là doanh nghiệp nội duy nhất có sản phẩm thường xuyên chiếm top các bảng xếp hạng tải app. Lên cùng làn sóng mới, chúng ta đã giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu liên tục trên 50% mỗi năm, trong khi hầu hết các công ty Việt Nam khác giữ nguyên hoặc suy giảm. Từ 2015, phần lớn người dùng cũng như doanh thu đã đến từ mobile.

Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. 9 năm trước, làm Internet đơn giản chỉ là dựng lên một website đông người truy cập rồi đăng vài banner quảng cáo. Giờ đây cuộc chơi đã chuyển sang những nền tảng lớn hàng chục triệu người dùng, cung cấp tận tay họ những nội dung được cá biệt hóa, và cả quảng cáo cũng cần có big data để mang lại hiệu quả. Nếu tụt lại, chúng ta sẽ chỉ còn là những người gia công thô nội dung, như người nông dân phụ thuộc vào nước ngoài từ phân bón, con giống cho đến đóng gói, tiếp thị, phân phối.

Những làn sóng thay đổi liên tục ập đến vừa là mối đe dọa, vừa là cơ hội lớn để tạo ra giá trị cho người dùng, đem lại ích lợi cho xã hội. Các sản phẩm mới như Snapchat hay Line đang thay đổi cách mạng cuộc sống của người Mỹ, người Nhật, thách thức những công ty khổng lồ Google, Facebook, Amazon. Chúng ta đang có cơ hội làm điều đó ở Việt Nam. Chúng ta đã xây dựng được Zalo, một nền tảng mạnh trên mobile. Con đường đã rõ ràng và cách duy nhất để sống sót là chạy hết sức về phía trước.

Chuẩn bị cho tương lai, chúng ta sẽ thực hiện những thay đổi như sau:

- G2 đổi tên thành Zalo Group. Zalo sẽ là nền tảng chung cho các sản phẩm.

- Anh Đào Ngọc Thành là Product Director, phụ trách mảng sản phẩm chung.

- Anh Nguyễn Quang Nam là Technical Director, chịu trách nhiệm kỹ thuật chung.

Trước đây, Khải đã có dịp chia sẻ “sản phẩm công nghệ cao là sự lãng mạn của những người làm kỹ thuật”. Nỗ lực của chúng ta khá lẻ loi trong một thị trường online bị thống trị bởi các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, những niềm tự hào khác của Việt Nam như Vinamilk, Viettel, hay Masan đã cho thấy những người Việt giàu khát vọng và quyết tâm hoàn toàn có thể phát triển thịnh vượng trước làn sóng toàn cầu hóa. Tương tự, Khải muốn kể với các bạn ba câu chuyện về những con người trong tập thể Zalo.

Câu chuyện thứ nhất về một kỹ sư tốt nghiệp ĐHBK HCM. Chán việc outsource ở doanh nghiệp Nhật, anh vào công ty ở vị trí senior engineer. Từ những thuật toán và cấu trúc dữ liệu cơ bản nhất, anh cần mẫn đắp từng viên gạch để xây backend Zing Me, niềm tự hào công nghệ của chúng ta giai đoạn 2009-2011. Nhưng khi bắt tay vào làm Zalo, anh lại kiên quyết đập bỏ hệ thống sẵn có, làm lại từ đầu để tối ưu cho môi trường mobile. Quyết định dũng cảm này đi ngược với mọi logic thông thường, nhưng đã cứu Zalo khỏi chết yểu từ 2012 và phát triển bền vững.

Câu chuyện thứ hai về một kỹ sư khác từ ĐHBK HN. Anh rời nước Mỹ, bỏ công việc ở Microsoft về Việt Nam để phát triển Internet. Ngay từ những dự án đầu tiên, anh đã làm các đối tác nước ngoài, vốn đánh giá thấp các công ty trong nước, phải nhìn nhận lại về khả năng và tính chuyên nghiệp của các kỹ sư Việt. Chịu trách nhiệm phát triển các sản phẩm mobile ban đầu của Zing, anh cũng là chính người đề xuất đầu tư cho OTT. Nỗ lực lao động của anh và team sản phẩm trong suốt năm 2012 đã thuyết phục được tập thể, giúp chúng ta có được Zalo như hiện nay.

Câu chuyện thứ ba về một CEO công nghệ khởi nghiệp rất thành công, được IDG và VNG đầu tư. Hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức, cuối 2013 anh đã từ bỏ công việc quen thuộc để nhận nhiệm vụ mới: phát triển mảng quảng cáo. Bắt đầu từ con số 0, anh lăn xả vào tìm hiểu những khái niệm mới, đi học hỏi từng chuyên gia, lắng nghe từng khách hàng. Tuy nhiên, việc khó nhất có lẽ là thuyết phục nội bộ thay đổi cách suy nghĩ, hướng đến khách hàng doanh nghiệp. Sau 2 năm, doanh thu quảng cáo đã tăng hơn gấp đôi và là cơ sở vững chắc để tái đầu tư cho các dịch vụ nội dung.

Đến đây, chắc các bạn cũng đã đoán được. Người đầu tiên là anh Nguyễn Quang Nam, người thứ hai là anh Đào Ngọc Thành, và người thứ ba là anh Nguyễn Anh Tuấn. Những con người với xuất phát điểm rất khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của họ là cùng chia sẻ khát vọng phát triển Internet. Họ cùng nỗ lực lao động không mệt mỏi để vượt qua khó khăn thách thức. Họ cũng sẵn sàng từ bỏ thành công của ngày hôm qua để chuẩn bị cho cuộc chiến của ngày mai. Họ đại diên cho tinh thần của chúng ta, của người Zalo. Tinh thần này chính là lý do chúng ta tồn tại đến ngày hôm nay, và cũng sẽ là yếu tố giúp chúng ta phát triển trong tương lai.

Cảm ơn sự nỗ lực hết mình của các thành viên. Chúng ta sẽ luôn giữ tinh thần chiến đấu như những ngày đầu tiên.

khaivq

Zalo"

TK

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/sep-vng-gui-thu-cho-nhan-vien-quyet-tai-cau-truc-zalo-de-tien-vao-mobile-136965.ict