Sếp Viettel tin Việt Nam sẽ bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ quan điểm tại phiên tọa đàm chuyên sâu 'Nhận thức về Việt Nam 4.0', Phó TGĐ Viettel Tào Đức Thắng cho rằng, bằng ý chí, sự quyết tâm, Việt Nam có thể chớp được thời cơ, bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành quốc gia tiên tiến, phát triển.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel trao đổi tại phiên tọa đàm chuyên sâu "Nhận thức về Việt Nam 4.0", trong khuôn khổ Vietnam ICT Summit 2017 diễn ra ngày 6/9.

Tọa đàm chủ đề “Nhận thức về Việt Nam 4.0” là một trong 4 phiên tọa đàm chuyên sâu được các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp góp mặt tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2017 tập trung trao đổi, thảo luận. Có chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong CMCN 4.0”, Vietnam ICT Summit năm nay vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 6/9 tại Hà Nội.

Trao đổi tại phiên tọa đàm chuyên sâu này, ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu chỉ được chọn một điều thì việc quan trọng hơn cả là chúng ta cần xác lập mục tiêu mình muốn gì trong cuộc cách mạng này. Theo ông Thắng, việc xác lập mục tiêu đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng xảy ra với từng cá nhân, từng con người một, từng tổ chức và từng ngành.

Vị đại diện Tập đoàn Viettel phân tích, báo cáo chính “Con tàu cách mạng công nghiệp 4.0. Thế giới lên tàu! Việt Nam bỏ lỡ?” được TS. Võ Trí Thành - Thành viên nhóm Think Tank, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày trong phiên khai mạc Vietnam ICT Summit 2017 đã cho thấy rằng giả sử chúng ta có nền tảng rất tốt nhưng mọi người không dùng đến hoặc không theo kịp thì cũng “vứt đi”, không có giá trị. Cũng như một doanh nghiệp làm ra thiết bị có thể xác định được thịt lợn thật hay thịt lợn giả nhưng người dân không dùng thì cũng phải bỏ đi.

“Tương tự như vậy, theo thống kê đã được PGS.TS Trương Gia Bình đưa ra, có tới 66% doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi nghĩ rằng có thể họ chưa hiểu “cách mạng công nghiệp 4.0” là gì và chưa xác lập được mục tiêu nên họ chưa sẵn sàng. Chính vì vậy, nếu phải chọn yếu tố nào quan trọng nhất thì tôi cho rằng chúng ta cần phải xác lập mục tiêu quốc gia, mục tiêu ngành, mục tiêu tổ chức và mục tiêu của mỗi cá nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này là gì để thực hiện”, ông Tào Đức Thắng chia sẻ.

Theo quan điểm của đại diện lãnh đạo Viettel, việc xây dựng hạ tầng viễn thông đóng vai trò quan trọng, then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh minh họa)

Ông Tào Đức Thắng cho biết, trong lĩnh vực viễn thông và đối với Viettel, như phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng nói: việc xây dựng hạ tầng viễn thông đóng vai trò quan trọng, then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Tôi nghĩ là, cuộc cách mạng này tạo ra sự kết nối vạn vật, tạo ra cách mạng về sensor để thu thập dữ liệu, tạo ra những phần mềm để phân tích các dữ liệu thu thập được, từ đó biến vạn vật từ thụ động thành chủ động, từ ít thông minh thành thông minh hơn”, ông Thắng nhận định.

Trả lời câu hỏi PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA đặt ra cho các diễn giả tham gia phiên tọa đàm: “Để ứng phó với những tác động mạnh mẽ, sâu sắc của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta nên xây dựng chiến lược gì, cần làm như thế nào?”, ở góc độ của một nhà mạng viễn thông, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh, về chiến lược của ngành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ rõ cần phải xây dựng một hạ tầng viễn thông thông minh, rộng khắp.

Ông Tào Đức Thắng cũng đã chia sẻ với các đại biểu dự tọa đàm về những băn khoăn trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, về câu chuyện thực tế tại Viettel khi đứng trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0: “Khi báo chí nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, tôi có hỏi Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng về quan điểm của Tập đoàn Viettel như thế nào? Tôi cũng trình bày điều khó khăn nhất với đội ngũ làm hạ tầng là thời gian kéo rất dài; công nghệ 3G, 4G rất dễ, có thể sản xuất được trong vài tháng, sensor có thể làm được, phần mềm cũng có thể viết được. Nhưng hạ tầng thụ động thì không thể làm trong “ngày một ngày hai” mà kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm. Khi đó, anh Hùng đã bảo tôi thử mở rộng không gian hạ tầng, đừng nghĩ hạ tầng chỉ là trạm BTS, mà hạ tầng có thể là 1 cột điện, 1 trạm nút giao thông, 1 chiếc đèn chiếu sáng hay 1 cột gắn loa thông tin ở phường, xã.

Từ nhận thức trên, khi tôi đi công tác ở Singapore và một số nước, tôi cũng đã thấy họ phát triển khá nhiều loại hạ tầng này, chúng ta không nhìn thấy những cột ăng ten như ở Việt Nam mà nó được ẩn trong đèn chiếu sáng, trong hộp quảng cáo và ngay trên mặt đường. Về vấn đề này, như Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã nói, sẽ dành ra những chính sách, hành lang pháp luật. Tôi cũng đề xuất là chúng ta phải kêu gọi các ngành khác như điện lực, giao thông công chính và cả sự ủng hộ của người dân cùng tham gia xây dựng hạ tầng trong cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trước 2 kịch bản PGS.TS Trương Gia Bình đưa ra để dự báo cho tương lai của Việt Nam trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng đã chọn đặt niềm tin vào viễn cảnh tươi sáng cho Việt Nam.

“Tôi tin rằng Việt Nam sẽ chớp được thời cơ, bắt kịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ, tôi nhớ đến câu nói của Henry Ford: “Nếu bạn nghĩ bạn làm được và không làm được thì cả hai đều đúng”. Ở đây, tôi muốn nói rằng nếu mỗi người dân, mỗi ngành, mỗi cấp lãnh đạo Việt Nam đều nghĩ chúng ta làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ bắt kịp “con tàu” cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Tào Đức Thắng cho hay.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/sep-viettel-tin-viet-nam-se-bat-kip-xu-the-cach-mang-cong-nghiep-4-0-158429.ict