'Sếp' mới, cổng mới (!?)

Trong dịp công tác tại một huyện thuộc miền đông Nam Bộ mới đây, chúng tôi lưu trú tại nhà khách của huyện. Nhà khách xây cách đây gần ba năm, khang trang, thoáng mát. Đến nơi tôi cứ ngỡ mình nhầm địa chỉ. Lối vào trước đây giờ là bức tường rào bao kín, phía trong lối đi nay là sân ten - nít. Hỏi người dân chung quanh thì được biết, cổng mới chuyển về phía bắc, cách đó gần 100 m.

“Sếp mới lên, cho rằng hướng cổng chưa hợp phong thủy, chưa hợp tuổi của mình, cho nên phải chuyển...” - một cán bộ huyện giải thích và cho rằng: Đâu có tốn kém, bởi vẫn dùng cánh cổng trước đây, chỉ phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng để chỉnh trang một số hạng mục công trình bên trong cho hài hòa, phù hợp. Ở huyện này, không riêng nhà khách, mà cổng trụ sở của một số cơ quan cũng được dịch chuyển vị trí khác, sau đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015- 2020. Người dân và cán bộ, công chức ở đây cứ râm ran ý kiến: cổng cơ quan chứ đâu phải cổng nhà các “sếp” mà cứ “vô tư” dùng tiền ngân sách nhà nước để dịch chuyển cho hợp tuổi, hợp phong thủy?

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, là giải pháp quan trọng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên cần có quyết tâm chính trị cao để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả.

Thiết nghĩ, người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nêu gương, gắn thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng Đảng. Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu có hành vi tham nhũng, lãng phí, để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị mình.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31248802-%e2%80%9csep%e2%80%9d-moi-cong-moi.html