Sếp chúng tôi không chỉ trả lương!

Cách đây 6 năm, công ty chúng tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhưng rất ít người bỏ đi, đa phần cán bộ, công nhân viên, người lao động chọn ở lại. Sự đoàn kết của chúng tôi đã giúp công ty vượt qua khó khăn. Bây giờ, mỗi khi nhìn lại, chúng tôi thấy mình thật dũng cảm, tuy nhiên, để có được sự dũng cảm đó, chúng tôi đã nhận được sự tiếp sức của chính sếp chúng tôi, ấy là khi công ty làm ăn thuận lợi, sếp đã đối đãi với tất cả chúng tôi bằng cả tấm lòng chứ không đơn giản chỉ là giới chủ, người làm thuê!

Sự chăm lo thực tâm của ban giám đốc dành cho người lao động là yếu tố giúp người lao động gắn bó với công ty (Ảnh minh họa). Ảnh: L.T

Công ty chúng tôi thành lập năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chuyên xuất khẩu đi các nước Châu Âu và Mỹ. Những năm đầu hoạt động rất thuận lợi, số lượng công nhân lên đến 1.000 người, chưa kể các cấp quản lý. Khi đơn hàng có nhiều, tiền về nhiều, ngoài trả lương, thưởng năng suất hàng tháng, giám đốc còn tổ chức khen thưởng các cá nhân xuất sắc qua bình bầu thi đua, chính những điều đó khiến cho không khí làm việc ở xưởng luôn rộn ràng.

Cuối quý hoặc cuối năm, ban giám đốc tổ chức tiệc tất niên, liên hoan tưng bừng, giám đốc còn tặng vàng cho các công nhân chuyên cần. Chưa kể các ngày lễ tết, giám đốc không bao giờ quên. Các hoạt động như vui tết trung thu, mừng Giáng sinh, vui Quốc tế thiếu nhi, sinh nhật hàng tháng dành cho nhân viên do công đoàn tổ chức, giám đốc luôn tạo điều kiện để công nhân được về sớm chuẩn bị…

Thời điểm đó, việc doanh nghiệp đầu tư nhà trẻ, nhà ở cho công nhân là điều chưa ai làm thế mà giám đốc của chúng tôi lại làm. Phía sau nhà xưởng của công ty còn miếng đất rộng, một ngày đẹp trời, ông gọi phòng nhân sự và phòng kế hoạch lên yêu cầu cho ông phương án xây nhà cho công nhân ở miễn phí. Vậy là ba dãy nhà khang trang mọc lên, điện, nước sử dụng chung với công ty. Công ty bao mỗi hộ gia đình 8 khối nước và 40kWh điện đầu tiên.

Ai lo được chỗ ở thì lo, ai không lo được thì về công ty. Ở khu nhà ở của công nhân, ông giao cho công đoàn quản lý, thành lập tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nội quy không được rượu bia quá đà, không gây gổ đánh nhau, cuối tuần tổ tự quản tổ chức văn nghệ, sinh hoạt, nắm bắt tâm tư tình cảm của anh chị em công nhân, nếu có vướng mắc gì báo cáo lên ban giám đốc giải quyết. Chính cách làm đó mà nhiều gia đình công nhân ở trong khu tự quản giữ gìn được hạnh phúc gia đình, các anh chồng hạn chế nhậu nhẹt tụ tập mà về nhà ăn cơm, công nhân có thêm tiền để tích lũy... Khi công nhân sinh con, việc gửi trẻ khó khăn ảnh hưởng đến công việc, nghe công nhân than phiền, ông giám đốc mở luôn một nhà trẻ, thuê giáo viên về giữ, công nhân gửi trẻ không mất tiền…

Thế nhưng mọi việc không chỉ có thuận lợi. Từ năm 2011, tình hình công ty bắt đầu khó khăn, các đơn hàng ở Châu Âu và Mỹ giảm dần, một số đơn hàng may xong, khách hàng chấp nhận bỏ tiền cọc mà không chịu nhận khiến các hoạt động trong công ty rối bời, sản xuất đình đốn. Trong bối cảnh đó, ban giám đốc chỉ cầm cự được cho công nhân tiền lương cơ bản, ngày làm ngày nghỉ chờ việc, thế nhưng các chương trình phúc lợi cho công nhân như nhà ở, nhà trẻ vẫn giữ nguyên, công ty vẫn bao.

Mọi việc kéo dài đến giữa năm 2011, ban giám đốc gửi thông báo: “Anh chị em có thể nghỉ việc để đi tìm một nơi làm việc tốt hơn. Tôi xin lỗi vì đã không lo được cho anh chị em và gia đình của mọi người. Tôi rất tiếc. Nếu tôi vực dậy được công ty, tôi chắc chắn sẽ mời anh chị em về. Cảm ơn anh chị em đã gắn bó với tôi và công ty gần nửa năm qua”.

Nhận được thông báo của ông giám đốc, tuần đầu tiên chỉ có 5% công nhân xin nghỉ. Đến tuần thứ 5 thì được 5% nữa. Các đơn xin nghỉ việc đa phần là anh chị lớn tuổi, ngoài nội dung xin nghỉ việc, ai cũng xin lỗi ông giám đốc vì đã ra đi vào lúc công ty khó khăn. Họ xin nghỉ để về quê với con chứ không phải nghỉ để đi làm chỗ mới.

Trước tình hình đó, ban chấp hành công đoàn họp tất cả công nhân lại và đề nghị tất cả anh chị đồng lòng với ban giám đốc, làm việc hoặc chờ việc không lương trong thời gian chờ ban giám đốc tìm kiếm đơn hàng mới. Đề nghị của ban chấp hành công đoàn được công nhân ủng hộ tuyệt đối. Chính sự đồng lòng của công nhân góp phần thúc đẩy tinh thần cho ban giám đốc và may mắn cũng đến khi chưa đầy 2 tháng sau, công ty có đơn hàng, từ đó đến cuối năm, đơn hàng về đều. Mọi việc ổn định cho đến hôm nay.

Chúng tôi vượt qua khó khăn một phần nhờ yếu tố may mắn vì tìm lại đơn hàng sớm, tuy nhiên trên tất cả là ở công ty chúng tôi mối quan hệ giữa người lao động và giám đốc không chỉ là tiền lương mà ở đó, chúng tôi xem nhau như gia đình!

Trần Anh Đức

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/sep-chung-toi-khong-chi-tra-luong-547591.ldo