Séc chịu tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt Nga của phương Tây

Các biện pháp cấm vận kinh tế mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga cũng như những phản ứng đáp trả của Moskva đang tác động tiêu cực tới Cộng hòa Séc.

Hàng hóa bày bán tại một siêu thị ở Saint Petersburg (Nga) ngày 7/8/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Prague, các biện pháp cấm vận kinh tế mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga cũng như những phản ứng đáp trả của Moskva đang tác động tiêu cực tới Cộng hòa Séc.

Mối quan hệ thương mại giữa Séc và Nga đã bị suy yếu do đồng ruble mất giá và các lệnh trừng phạt chống Nga của phương Tây.

Tuy vậy, các nhà xuất khẩu của Séc vẫn cố gắng duy trì các hợp đồng hiện có, đồng thời hy vọng tình hình trong tương lai sẽ được cải thiện.

Nga vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu của nước này và đó cũng là lý do để Pra gue đưa ra lời kêu gọi bãi bỏ cấm vận.

Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Vladimir Dlouhy cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga "không hiệu quả," thậm chí còn khiến hàng loạt doanh nghiệp hợp tác trực tiếp với Nga bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, việc đồng ruble Nga mất giá do ảnh hưởng từ lệnh cấm vận còn tạo tác động xấu tới cả hệ thống cung cấp vốn cho các dự án khi các ngân hàng trở nên thận trọng hơn, đồng thời làm suy giảm hoạt động kinh tế và đầu tư của cả các doanh nghiệp Séc hoạt động lâu năm tại Nga, cũng như các doanh nghiệp có tiềm năng vươn tới thị trường này.

Theo ông Dlouhy, lệnh trừng phạt kinh tế không phải là công cụ cho phép đạt được những mục tiêu đặt ra ban đầu đó là làm thay đổi chính sách, trong đó có cả chính sách đối ngoại của Nga đối với Ukraine và các nước khác.

Vì vậy, ông ủng hộ việc tìm kiếm những biện pháp khác, thay vì cấm vận kinh tế đối với Moskva.

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, Mỹ và EU đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt Nga nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính.

Đáp lại, giới chức Nga cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU.

Điều này khiến không chỉ Séc mà nhiều nước châu Âu như Pháp, Bỉ... cũng phải đối diện với cuộc khủng hoảng giá nông sản và thực phẩm, từ đó gây thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/sec-chiu-tac-dong-tieu-cuc-tu-lenh-trung-phat-nga-cua-phuong-tay/410469.vnp