Sẽ xử nghiêm công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo

Trong phiên chất vấn ngày 15-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giải đáp ý kiến của một số đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp gây thất thoát lớn cho người dân trong thời gian dài.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp. Tại sao để việc bán hàng đa cấp xảy ra trong một thời gian dài mà đến bây giờ mới xử lý khi thất thoát đã rất lớn.

Cho biết đến nay nhiều nông dân và người nghèo vẫn bị bao vây bởi hàng giả, hàng kém chất lượng đa cấp lừa đảo với giá cao. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thì trách nhiệm Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và để khắc phục tình trạng nêu trên thì Bộ trưởng có cam kết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này giải quyết được tình trạng nêu trên hay không?

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế bán hàng đa cấp đã được cấp phép khi chúng ta tham gia làm thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong thời gian vừa qua, bán hàng đa cấp chính là việc thực hiện thông qua các khung khổ pháp lý từ năm 2014 và đã được sửa theo hướng thắt chặt hơn, nhưng qua quá trình thực hiện các nội dung quy định của pháp lý từ năm 2014 đến năm 2016 đã bộc lộ ra một số các vấn đề trong quản lý nhà nước và chế tài đối với các hoạt động của bán hàng đa cấp.

Theo Bộ trưởng, các vấn đề tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực, cụ thể: Một là, các khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện. Hai là, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa thực sự bài bản và chưa có sự phân công rạch ròi và đảm bảo hiệu quả của các cấp. Bởi vì quản lý bán hàng đa cấp theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn được phân cấp cho chính quyền của địa phương và Sở Công thương tại các địa phương để quản lý trực tiếp các hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Ba là, một vấn đề rất lớn phải nhìn nhận, đó là bán hàng đa cấp có một sức hút rất lớn đối với đại bộ phận người dân, bởi vì có những hành vi cố tình tuyên truyền làm sai lạc về bản chất của bán hàng đa cấp. Hướng vào những lợi nhuận siêu khủng để thu hút một bộ phận rất lớn những người dân của chúng ta tham gia bán hàng đa cấp và biến tướng của đa cấp trở thành những hình thức kinh doanh tài chính trái phép cũng như kinh doanh ảo để gây ra những nguy cơ thất thoát và mất mát tài sản của xã hội rất lớn.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngay cuối năm 2015 Bộ Công thương đã bắt đầu nhận thấy có những vấn đề bất cập của hệ thống khuôn khổ pháp lý. Bộ đã tiến hành tổ chức, kiểm tra, đánh giá và với sự phát hiện của dư luận xã hội, của báo chí thì từ đầu cuối năm 2015 đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật với bán hàng đa cấp ở tại các địa phương và phát hiện hàng loạt các doanh nghiệp ngoài việc không chấp hành pháp luật còn có hiện tượng gian dối, lợi dụng, trục lợi của bán hàng đa cấp để phục vụ hoạt động thu lợi bất chính.

Về giải pháp khắc phục, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đầu năm 2016 Bộ Công thương chính thức xây dựng 2 Chỉ thị và ban hành những biện pháp cụ thể, tăng cường kiểm tra và phối hợp cùng chính quyền địa phương, chỉ đạo Sở Công thương làm đầu mối kiểm tra bán hàng đa cấp tại địa phương. Đến nay, từ 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã rút giấy phép 25 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính và có hành vi lừa đảo, trục lợi. Bên cạnh đó, đã xử phạt hơn 14 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có mức độ vi phạm khuôn khổ của pháp luật.

“Bộ Công thương cũng đã nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về quản lý bán hàng đa cấp cũng như các thông tư hướng dẫn để khắc phục những tồn tại, bất cập mà các cơ quan quản lý của chúng ta chưa làm được. Đặc biệt trong phân cấp ở địa phương” - Bộ trưởng nêu rõ.

“Bộ Công thương cũng tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc chậm phản ứng chính sách và chưa ban hành kịp thời những nội dung sửa đổi, điều chỉnh của khuôn khổ pháp lý cũng như thực hiện các chức năng” - theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ đang tiếp tục xem xét và sẽ có hướng làm rõ trong thời gian tới. Trước mắt, cần tiếp tục tập trung vào những giải pháp để đảm bảo hiệu quả quản lý bán hàng đa cấp, nhất là bán hàng đa cấp có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc lừa đảo, sẽ làm nghiêm vấn đề này.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31277602-se-xu-nghiem-cong-ty-ban-hang-da-cap-co-dau-hieu-lua-dao.html