Sẽ sửa 4 luật về quản lý chuyên ngành

(HQ Online)- Ngày 3-10, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng tưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham luận “Định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về quản lý chuyên ngành”.

TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo. ảnh: T.H

Đại diện một số đơn vị hải quan phía Nam; các cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp… tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận, góp ý cho Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thực tiễn cho thấy công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đang là trở ngại lớn, gây nhiều khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Đó cũng là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” theo yêu cầu của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đi ngược với những cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, Việt Nam–EU FTA.

Đánh giá về những bất cập trong quản lý chuyên ngành và sự cần thiết phải sửa đổi các luật quy định về kiểm tra chuyên ngành, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho rằng, thời gian qua, kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu còn nhiều hạn chế, một phần do vướng mắc trong các quy định của các bộ, ngành và trong cả các quy định của luật. Do đó, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án GIS, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK nhằm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, chuyển sang hậu kiểm; Minh bạch hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tối thiểu hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra tại thời điểm thông quan. Tên hàng phải kèm mã HS ở cấp độ chi tiết nhất; Minh bạch về chế độ quản lý và về chi phí; Hiện đại hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Điện tử hóa thủ tục; Kết nối thủ tục giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; Áp dụng thông lệ quốc tế: Chủ động áp dụng các kinh nghiệm/ thực tế tốt của các nước; áp dụng công nhận lẫn nhau; và chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...).

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật này cũng là yêu cầu cấp bách để thực hiện các cam kết của Việt Nam về tự do hóa đầu tư, thương mại theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, Việt Nam – EU FTA.

Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2016 rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuống bằng trung bình của các nước ASEAN 4 (tương ứng 56 giờ đối với hàng xuất khẩu và 73 giờ đối với hàng nhập khẩu); giảm tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan xuống còn 15% (hiện nay khoảng 30-35%). Mục tiêu này đã gần với yêu cầu theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do như TPP (thời gian từ khi hàng đến cho tới khi giải phóng hàng không quá 48 giờ). Tuy nhiên, kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Tổng cục Hải quan cho thấy thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, và 72% thời gian thực hiện các thủ tục về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Theo kết quả khảo sát mới đây, trung bình thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại một số cửa khẩu lớn là 19-20 ngày.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/se-sua-4-luat-ve-quan-ly-chuyen-nganh.aspx