Sẽ không cấm hôn nhân đồng tính?

Nhiều bộ, ngành đề nghị không quy định cấm kết hôn đồng tính trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sắp tới.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) ngày 16-4, nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề hôn nhân đồng giới.

Ủng hộ hôn nhân đồng tính

Dù không được pháp luật thừa nhận nhưng trên thực tế người đồng tính, song tính, chuyển giới vẫn chung sống với nhau như vợ chồng. Điều này đã làm phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, khó bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho chính người trong cuộc. Hôn nhân đồng tính đang là hiện tượng xã hội “nóng” cần sớm có quy định pháp luật điều chỉnh. Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ, Bộ Tư pháp đã đưa ra ba phương án để lấy ý kiến: Không quy định cấm kết hôn đồng giới; chính thức công nhận hôn nhân đồng giới; duy trì quy định hiện hành về cấm kết hôn đồng giới.

Ông Dương Văn An - Bí thư Trung ương Đoàn góp ý Luật HN&GĐ nên cho phép những người đồng giới tính kết hôn với nhau, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới nhằm đảm bảo tính nhân văn, công bằng, khắc phục tình trạng người đồng tính, song tính, chuyển giới khi lấy nhau đã bị xã hội kỳ thị, thậm chí xa lánh, coi đó là một hiện tượng bất thường cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Trong trường hợp chưa cho phép hôn nhân đồng tính thì không nên quy định cấm, không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng của họ. Đồng thời quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ chung sống.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh trọng tâm cần bổ sung, điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thực tiễn. Ảnh: BÌNH MINH

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng ủng hộ quy định cho phép kết hôn đồng tính và cho rằng đó là quyền con người “quyền được sống thực với gì mình có”. Đồng tính không phải là một loại bệnh, y học không thể can thiệp, cũng không thể chữa khỏi. Người đồng tính cũng có quyền con người (quyền sống, quyền ăn, ở, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc), quyền công dân (được lao động, học tập, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…). Đồng tính vẫn chưa được xã hội và pháp luật VN thừa nhận, do vậy nhiều người đồng tính thường không công khai giới tính thực vì sợ bị kỳ thị, sống dưới vỏ bọc giới tính khác, gánh chịu nhiều hệ lụy phức tạp (bị bạo lực thể xác, tâm lý, tình dục…).

Không cấm sống chung đồng tính

Theo quan điểm bảo vệ giá trị hôn nhân truyền thống người Việt, thận trọng trước vấn đề đồng tính “nhạy cảm”, khá nhiều ý kiến của đại diện tòa án, VKS, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp, Hội Phụ nữ VN, các địa phương Lâm Đồng, TP.HCM, Bắc Ninh, Sơn La… ủng hộ phương án: Chưa nên công nhận hôn nhân đồng tính nhưng không quy định cấm kết hôn đồng tính như Luật HN&GĐ hiện hành, không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống như vợ - chồng của người đồng tính. Đây là phương án “trung hòa” thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với quan hệ của người đồng giới, mặt khác có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện mối quan hệ “nhạy cảm” này để xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp.

Ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án TAND Tối cao, chia sẻ: “Người đồng tính là do tạo hóa, chúng ta phải thấy may là mình không bị như thế. Nhiều nước cũng đã thừa nhận việc họ sống chung như vợ chồng, VN cũng nên bỏ quy định cấm. Đây là quyền con người, không nên can thiệp hành chính. Tuy nhiên, chưa nên công nhận kết hôn đồng tính, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện về loại quan hệ này và đánh giá tác động về mặt xã hội”.

“Không nên quy định cấm kết hôn đồng tính vì đó là quyền con người, không xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cần được tôn trọng. Có quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng tính, có quốc gia không công nhận nhưng không cấm việc chung sống đồng tính, không can thiệp bằng biện pháp hành chính cấm đoán mà xem đó là quan hệ dân sự, cần bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý giải quyết các hệ quả phát sinh về nhân thân, tài sản, con cái từ việc chung sống của họ, điều đó cũng nhằm bảo vệ quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân” - ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án sửa đổi Luật HN&GĐ) chia sẻ quan điểm về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ sắp tới.

Trước đó, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đã bãi bỏ quy định xử phạt (cảnh cáo hoặc phạt tiền) đối với hành vi kết hôn đồng giới.

Sống chung không kết hôn vẫn phải có trách nhiệm

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật HN&GĐ hiện hành không thừa nhận quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn đã dẫn đến rất nhiều hệ quả tiêu cực cho gia đình và xã hội. Nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em bị phụ bạc, ngược đãi và bỏ rơi vô trách nhiệm sau thời gian tự nguyện sống thử, sống chung. Từ đó, không bảo đảm thực chất trong thực thi quyền của phụ nữ và trẻ em, cũng như sự ổn định các quan hệ gia đình và xã hội. Vì vậy, cần có quy định giải quyết các quyền về nhân thân, tài sản, quyền và nghĩa vụ của cha - mẹ - con giữa các bên chung sống.

Qua thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã kết luận 10 vấn đề định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ sắp tới, trong đó bổ sung quy định về một số vấn đề mới hiện chưa được luật điều chỉnh: sống chung không đăng ký kết hôn; ly thân; thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn (hôn ước); mang thai hộ…

BÌNH MINH

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130417125025494p0c1015/se-khong-cam-hon-nhan-dong-tinh.htm