Sẽ khá hơn với thầy ngoại!

Việc đội tuyển bóng bàn quốc gia mời được 2 chuyên gia CHDCND Triều Tiên đã phần nào giải quyết được khúc mắc tồn tại lâu nay trong nội bộ. Chấm dứt vấn đề “quân anh, quân tôi” có thể sẽ giúp thành tích của các tay vợt khoác áo ĐTQG khá hơn ở các đấu trường quốc tế…

Tất nhiên, giữ được các chuyên gia Li Song Sik và Kim Song Hwan ở lâu hay không còn tùy vào tinh thần hợp tác giữa Bộ môn thuộc Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam cũng như sự cầu tiến từ các tuyển thủ quốc gia.

Trước đây, có một thời gian bóng bàn đã dùng HLV ngoại, nhưng mối lương duyên ấy không kéo dài lâu, một phần xuất phát từ tư duy “thời vụ” của giới chức bóng bàn Việt Nam. Phần nữa, vì sự tắc trách cũng như mối bất đồng ở đội ngũ quản lý khiến các chuyên gia chán nản và xin nghỉ.

Một thời gian dài sau đó, ông Trưởng bộ môn bóng bàn của Tổng cục TDTT là Nguyễn Đức Long kiêm luôn vai trò HLV trưởng ĐTQG, gây ra điều tiếng không tốt, khi nhiều HLV được cho là có năng lực nhưng không được trọng dụng. Thậm chí, ngay cả khi Tổng cục đã ban hành quy chế không cho các vị Trưởng bộ môn kiêm nhiệm vai trò HLV ở các ĐTQG, thì ông Long vẫn kéo dài thời gian trị vì của mình thêm vài năm, dù giới trong nghề gọi hình ảnh đó là “cưỡi ngựa xem hoa”.

Mấy năm qua, bóng bàn Việt Nam liên tục xảy ra rắc rối, hết chuyện các tay vợt đánh nhau ở giải vô địch khu vực, đến lượt các tuyển thủ kỳ cựu như Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh bỏ ĐTQG trước thềm SEA Games 27, có cả HLV và VĐV tuyên bố không bao giờ quay trở lại đội tuyển nếu thành phần BHL vẫn do “các ông ABC nào đó” dẫn dắt.

Chung quy, nguyên nhân khiến bóng bàn Việt Nam trượt dài về thành tích và dần đánh mất hình ảnh trong mắt giới mộ điệu cũng nhờ… những nhà quản lý bộ môn, cũng như một vài cá nhân vụ lợi ở Liên đoàn bóng bàn quốc gia. Dư luận phản ứng, các HLV và VĐV đã nhiều lần bức xúc lên tiếng, nhưng rốt cuộc giới chức chỉ hứa miệng rồi cố tình kéo dài sự việc để nó từ từ chìm vào quên lãng.

Bóng bàn là môn chơi vốn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, cả 2 mảng đỉnh cao và phong trào trước kia được đánh giá là phát triển nở rộ, đến mức có những giải đấu nghiệp dư mà những nhà tổ chức nhận được 500-600 tay vợt đăng ký tranh tài.

Cũng trước đây, ngay cả thời điểm Singapore sử dụng nhiều tay vợt nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng đội tuyển bóng bàn nam của chúng ta vẫn luôn tạo được thế cạnh tranh ngang ngửa với họ. Có thể thua Singapore, nhưng ít khi để mất vị trí thứ nhì khu vực vào tay Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Trần Tuấn Quỳnh và Nguyễn Nam Hải từng vô địch, đoạt HCB đơn nam, Kiến Quốc và Quang Linh từng đoạt HCV đôi nam… Song giờ đây khi nhìn lại, bóng bàn Việt Nam trượt dài và không thể dừng lại trên bản đồ khu vực. Tấm HCB đơn nam mà Lê Tiến Đạt giành được ở SEA Games 27 vừa rồi có thể coi là may mắn, vì sự chuẩn bị của bóng bàn Việt Nam cho cuộc chạy đua đến các danh hiệu khu vực là rất thiếu chu đáo.

Mời chuyên gia nước ngoài dẫn dắt đội tuyển quốc gia, theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, là cần kíp và phù hợp lúc này. Thứ nhất, điều đó sẽ giúp triệt tiêu tư tưởng “quân anh, quân tôi” trên đội tuyển, và nơi đó sẽ chỉ dành cho những tay vợt giỏi chuyên môn thực sự góp mặt.

Thứ nhì, sự xuất hiện của các chuyên gia CHDCND Triều Tiên (với mức lương từ 2.100-2.300 USD/tháng) có thể giúp các tay vợt rất nhiều về chuyên môn, về kỹ thuật bóng bàn hiện đại.

1 năm là thời hạn hợp đồng làm việc của 2 chuyên gia Triều Tiên, và dù chưa thể khẳng định tài năng của họ có thể đưa bóng bàn Việt Nam tiến xa đến đâu ở đấu trường Asian Games 2014, thì ít nhất nó cũng gieo vào lòng người hâm mộ một niềm tin vào tương lai tốt đẹp, thay vì chỉ biết hậm hực và nản lòng với chuyện của năm cũ…

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/170/31117E/Se-kha-hon-voi-thay-ngoai