Sẽ kéo dài thêm 1 năm cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến để sửa đổi thông tư về cho vay ngoại tệ theo hướng sẽ tiếp tục cho phép doanh nghiệp được vay ngắn hạn thêm một năm nữa, tức đến hết năm 2017, để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

Ảnh minh họa

“Mở lại” kênh vốn rẻ

Theo dự thảo, NHNN dự kiến sẽ tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp, kéo dài trong cả năm 2017. Cụ thể, dự thảo, cũng như quy định hiện hành, cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Điều kiện đi kèm, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Trước đó, hằng năm, NHNN thường ban hành thông tư để gia hạn việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn với đối tượng doanh nghiệp này. Và lâu nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện đơn hàng xuất khẩu thường vay USD và bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng sử dụng trong nước cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhằm hưởng lãi suất thấp từ vay ngoại tệ. Tuy nhiên, vào cuối tháng 3 năm nay, NHNN đã ban hành Thông tư 24, theo đó từ ngày 1-4-2016 doanh nghiệp xuất khẩu không được vay ngoại tệ theo hình thức này. Thông tư 24 nhằm chống đô la hóa, từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ, giảm áp lực về ngoại tệ. Bởi lẽ, trên thực tế, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu ít có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán, mà chỉ vay ngoại tệ và bán lại cho ngân hàng nhằm lấy tiền đồng sử dụng trong nước cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Có nghĩa là, mục đích là hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ.
Sau đó, vào khoảng cuối tháng 5-2016, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN để gia hạn việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với đối tượng doanh nghiệp này đến hết năm 2016. Việc này được xem là động thái nới lỏng của NHNN nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Việc mở lại cũng nhằm lợi ích tạo một kênh vốn chi phí thấp hơn hỗ trợ cho xuất khẩu. Sau khi được mở lại, tín dụng ngoại tệ đã có diễn biến tăng đáng kể. Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến 30-9-2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm phần trăm so với tháng liền trước trước.

Giải bài toán khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí M.N ở quận Tân Bình TP HCM cho biết, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu nhiều mặt hàng cơ khí đi các nước Nhật, Austria, Hàn Quốc… Khi NHNN ban hành thông tư 24, doanh nghiệp không được vay ngoại tệ phải quay sang vay VND với lãi suất cao, khiến chi phí, giá thành sản phẩm đội lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lãi suất cho vay nội tệ đang áp dụng từ 8 - 11%, trong khi ngoại tệ chỉ có 3 - 4% cho thấy, sự chênh lệch về lãi suất khi được vay ngoại tệ sẽ tạo cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng cao. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời hạn vay cho doanh nghiệp quả thật là một tin vui vì nếu theo thông tư mới đây đến ngày 31-12 sẽ kết thúc chương trình này nên doanh nghiệp phải có sự chủ động, có chủ trương ứng phó khi hết thời hạn áp dụng vay ngoại tệ để giảm bớt khó khăn”, ông Ninh cho biết.
Như trong năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm trên được vay USD ngắn hạn lãi suất chỉ ở khoảng 3-5%/năm, thấp hơn nhiều so với vay bằng VND lãi suất từ 5-8%/năm. Rủi ro chi phí trong vay ngoại tệ là biến động tỷ giá. Tuy nhiên, năm 2016 cho đến thời điểm này, tỷ giá USD/VND rất ổn định nên lợi ích lãi suất thấp nói trên đã thực sự tạo cho các doanh nghiệp một dòng vốn rẻ.
Theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, việc ổn định chính sách, nhất quán chính sách là những yếu tố mà doanh nghiệp cũng như là người dân hết sức mong muốn. Tuy nhiên, chúng ta phải chia sẻ vì hiện nay chúng ta hoạt động trong một môi trường rất nhiều biến động cả trong nước và ngoài nước. Đều này đòi hỏi chính sách phải có những điều chỉnh phù hợp, không thể cố định chính sách trong một thời gian dài. Việc thực hiện ổn định chính sách chỉ thực hiện được trong trường hợp nền kinh tế hết sức ổn định không có biến động xảy ra. Rõ ràng từ đầu năm đến giờ, nhiều việc đã xảy ra đối với cả kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam và cần phải có tháo gỡ kịp thời nhất là trong bối cảnh năm nay.
Vay ngoại tệ lãi suất thấp để đổi ra tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp để cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu thấp hơn so với mục tiêu đặt ra, quyết định mở lại tín dụng ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tác động tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Động thái này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn hỗ trợ nền kinh tế. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay thì phải đẩy mạnh xuất khẩu vì xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Động thái của NHNN nới thời hạn cho vay với các doanh nghiệp xuất khẩu giúp doanh nghiệp có chi phí vốn thấp để sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, có một số ý kiến lo ngại khi cho phép các doanh nghiệp vay vốn USD có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Trong khi đó hiện nay, các khoản tiền gửi USD đều không kỳ hạn và lãi suất bằng 0% đã làm giảm mạnh số dư tiền gửi bằng ngoại tệ. Nếu nhu cầu vay ngoại tệ tăng mạnh trong thời gian tới có thể dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại tìm cách huy động USD và lãi suất cho vay USD có thể sẽ tăng. Điều này đi ngược với lộ trình chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế mà NHNN đặt ra. Do đó, theo các chuyên gia, NHNN cũng nên xem xét cho phép các ngân hàng thương mại huy động USD với mức lãi suất phù hợp, kèm theo một số điều kiện để giảm tình trạng đầu cơ.

Gia Miêu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/se-keo-dai-them-1-nam-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-vay-ngoai-te-611760.bld