Sẽ công khai trường báo cáo sai sinh viên tốt nghiệp có việc làm

“Bộ có thể sẽ công bố công khai các trường cung cấp thông tin không chính xác về tình hình việc làm của sinh viên để người học và xã hội biết, lựa chọn trường theo học”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

Liên quan đến việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường học viện, đại học, cao đẳng phải báo cáo, công khai tình hình sinh viên tốt nghiệp (SVTN) có việc làm, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: "Nếu trường nào công khai thông tin về tình hình việc làm của SVTN không chuẩn xác thì chính là trường đó tự hạ uy tín của mình".

- Việc Bộ ra văn bản gửi các trường phải báo cáo về tình hình việc làm của SVTNcó phải là căn cứ để Bộ xem xét về chỉ tiêu đào tạo của trường đó trong các năm tới không, thưa bà?

Trong Công văn số 4806/BGDĐT-GDĐH đã nêu rõ mục đích báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên là để: “Cung cấp, cập nhật thông tin về tình trạng việc làm của SVTN và khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên. Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm”.

Như vậy, tình hình việc làm của sinh viên sẽ là một trong các căn cứ để xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Trước hết là để các trường nghiên cứu, xem xét, tự điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh. Thông tin về việc làm của SVTN yêu cầu phải được công khai, sẽ trở thành một trong các căn cứ để người học lựa chọn cơ sở đào tạo.

Trên cơ sở đó, các bên liên quan như sinh viên, phụ huynh và toàn xã hội cũng giám sát việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường, xem có sát thực và hiệu quả không; Bộ GD-ĐT tạo căn cứ vào đó để xem xét việc tuyển sinh của các trường trong năm học tiếp theo; nếu đủ cơ sở sẽ xem xét điều chỉnh quy định về căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong Thông tư Số 32/2015/TT-BGDĐT cho hợp lý và sát với yêu cầu của thị trường lao động hơn…

Bên cạnh mục đích làm căn cứ để các trường điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, việc quản lý tình hình việc làm của SVTN còn hướng tới tổng thể những mục đích khác như: làm cơ sở đánh giá khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên của từng ngành nghề, từng cơ sở đào tạo; trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm…

- Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này nhưng cũng bày tỏ sự băn khoăn vào độ tin cậy của thông tin trong báo cáo. Quan điểm của Bộ ra sao về sự lo lắng này?

Bộ đã yêu cầu các trường công bố tình hình việc làm của SVTN trên website là để phụ huynh, học sinh, các bên liên quan hay nói cách khác là toàn xã hội biết để cùng giám sát thông tin do các trường báo cáo.

Trong Công văn số 4806/BGDĐT-GDĐH, Bộ cũng yêu cầu báo cáo của các trường phải nêu rõ phương pháp, quy trình điều tra việc làm của SVTN và minh chứng về việc thực hiện để phục vụ công tác kiểm tra, xác thực thông tin của báo cáo…

Nếu trường nào công khai thông tin về tình hình việc làm của SVTN không chuẩn xác thì chính là trường đó tự hạ uy tín của mình.

- Đúng là nếu các trường công bố thông tin không chuẩn xác sẽ tự hạ thấp uy tín của trường nhưng chắc chắn không thể thiếu sự giám sát của Bộ. Vậy Bộ có biện pháp gì giám sát tính chính xác, khách quan của các báo cáo này?

Bộ sẽ thực hiện kiểm tra trên cơ sở xem xét phương pháp, quy trình, hồ sơ lưu… của quá trình điều tra tình trạng việc làm của SVTN cùng các minh chứng xác thực thông tin do trường cung cấp. Nếu thấy chưa có căn cứ thuyết phục, Bộ sẽ kiểm tra trực tiếp… Sau đó, có thể sẽ phải công bố công khai những trường cung cấp thông tin không chính xác về tình hình việc làm của SVTN để người học và xã hội biết để lựa chọn trường theo học.

- Liệu việc này có giúp giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường trong tương lai, thưa bà?

Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm phụ thuộc nhiều yếu tố như: tình hình kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, khả năng thu hút đầu tư… và chất lượng nguồn nhân lực… nên giải quyết tình trạng này cũng phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ.

Việc yêu cầu các trường công bố tình hình việc làm của SVTN cũng là một trong các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp thông qua việc: hỗ trợ người học có thông tin về khả năng tìm việc làm của các ngành đào tạo, của các trường mà họ muốn theo học; đồng thời, giúp các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm, giảm bớt tỷ lệ không có việc làm của SVTN…

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/se-cong-khai-truong-bao-cao-chinh-xac-ti-le-sv-tot-nghiep-co-viec-a301931.html