Nguyên liệu cực bền CNT chưa được ứng dụng rãi

“Cần hạ giá thành vật liệu Carbon Nanotube (CNT) xuống khoảng 5 lần nữa thì sẽ có rất nhiều sản phẩm độ bền cực cao của dạng vật liệu này ứng dụng vào cuộc sống”.

Chia sẻ trên của TS Đỗ Hữu Quyết - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển, Khu Công nghệ cao TP.HCM tại Hội thảo “Kỷ niệm 25 năm vật liệu CNT và những triển vọng ứng dụng” tổ chức vào sáng 08/12 tại TP.HCM.

CNT là một dạng tồn tại đặc biệt của carbon được cấu tạo bằng cách cuộn tròn những lớp graphene với độ dày một vài nguyên tử, tạo thành những ống than hình trụ với đường kính vài nanomet (tương đương một phần tỉ met).

CNT được phát hiện bởi GS. Sumio Iijima vào năm 1991 ở Nhật Bản. Công trình nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí danh tiếng Nature vào năm 1991 và đã nhanh chóng ảnh hưởng đến cộng đồng nghiên cứu khoa học vật liệu, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ - vật liệu nano trên toàn thế giới.

GS. Sumio Iijima (giữa) đã có cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học, doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ về vật liệu CNT. Ảnh: Hà Thế An.

Dạng vật liệu CNT có thể ứng dụng rất nhiều trong đời sống, vì tính chất đặc biệt là vật liệu bền và dai nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, vật liệu CNT còn có đặc tính dẫn điện, dẫn nhiệt rất cao, cao hơn hầu hết các loại vật liệu.

Hiện nay, CNT được ứng dụng vào vật liệu dự trữ điện, composite bền và nhẹ, dụng cụ thể thao, nguồn phát xạ điện tử, nguồn tia X để chiếu chụp để tạo ra máy chiếu chụp cầm tay (vì sợi CNT là nguồn phát xạ tia X cực kỳ nhỏ).

Theo TS Đỗ Hữu Quyết, Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Khu Công nghệ cao TP.HCM, hiện nay đơn vị đang sử dụng vật liệu CNT chế tạo tấm dán tản nhiệt dùng làm mát các con chip điện tử cũng như đèn led. Việc sử dụng CNT làm tấm dán cực kỳ mỏng sẽ giúp các thiết bị tản nhiệt hiệu quả hơn.

“Chúng tôi cũng đang sử dụng vật liệu CNT kế tạo siêu tụ điện dạng nước. Hiện nay các dạng siêu tụ điện trên thế giới sử dụng các chất hữu cơ và kim loại nên rất nguy hiểm và nặng nề. Nếu chúng ta chế tạo dạng nước không bị cháy, rất an toàn. Ngoài ra, việc không sử dụng bằng kim loại nên các siêu tụ điện sẽ có trọng lượng rất nhẹ” - TS Quyết cho biết.

Các sản phẩm ứng dụng của vật liệu CNT thu hút sự quan tâm của nhiều người tham dự Hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng theo TS Quyết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc nghiên cứu và phát triển vật liệu CNT chính nguồn cung ứng vật liệu này với giá trẻ, chưa thực dự có. Một số nơi công bố có thể cung cấp vật liệu CNT nhưng chưa thực sự phổ biến ra thị trường. Nguồn cung ứng CNT nhập từ nước ngoài làm cho giá thành đắt lên.

“Vật liệu CNT được khám phá 25 năm nay, có hàng chục ứng dụng. Song, hiệu quả kinh tế mang lại của CNT chưa tương xứng với tầm vóc như một nền công nghiệp lớn. Ví dụ, so với công nghiệp bán dẫn, hiệu quả kinh tế của CNT chưa cao. Trong tương lai, nếu các đơn vị cung cấp vật liệu CNT giảm giá khoảng 5 lần nữa, thế giới sẽ có rất nhiều vật dụng có độ bền cực kỳ cao khi sử dụng vật liệu CNT” - TS Quyết thẳng thắn.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/se-co-nhieu-san-pham-ung-dung-cuc-ben-neu-giam-gia-cnt-xuong-5-lan-c7a475866.html