'Sẽ có giải pháp khắc phục hệ lụy khi dừng dự án điện hạt nhân'

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ nhiều nhận định về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Zing

Quyết định bất khả kháng!

Nói về việc Việt Nam đã đầu tư nhiều nhân lực và tiền bạc cho dự án này, bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, khi chúng ta quyết định thay đổi chính sách về điện hạt nhân thì đây là một quyết định bất khả kháng của những diễn biến và thay đổi trong bối cảnh chung của quốc tế cũng như những yêu cầu chung của đất nước liên quan đến phát triển bền vững.

Theo đó, những biện pháp của chúng ta trong rất nhiều lĩnh vực và rất đồng bộ, toàn diện trong hàng loạt các vấn đề để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì chúng ta đã triển khai thời gian vừa qua chứ không chỉ mỗi đào tạo nguồn nhân lực.

“Việc để giải quyết những vấn đề hệ lụy có thể xảy ra trong khi chúng ta quyết định dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được Bộ chính trị cũng như Trung ương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu đánh giá cụ thể và rất toàn diện, có những biện pháp cụ thể” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng: “Trong bất luận trường hợp nào chúng tôi nghĩ là Chính phủ sẽ có những giải pháp khả thi, tính toán để giải quyết và khắc phục những tồn tại hoặc hệ lụy xảy ra từ quyết định này”.

Cần tăng cường ý kiến phản biện

Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là quyết định đúng đắn, dũng cảm và sáng suốt. Tuy nhiên, qua đó Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa công tác dự báo, thẩm định, tính toán kĩ lưỡng đối với bài toán năng lượng cũng như đầu tư.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng, Việt Nam rất cần xem lại bài toán về năng lượng, Chính phủ cần cho các nhà phản biện có ý kiến nhiều thêm, chứ chỉ nghe ngành điện chứng minh về dự án không thôi thì không đủ. Cần phải có sức ép từ các nhà nghiên cứu kinh tế, kĩ thuật và nhiều cơ quan khác chứ không chỉ dựa vào hồ sơ của ngành điện.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng ngoài việc tăng trách nhiệm của nơi đề xuất dự án thì Quốc hội cũng cần tăng cường trách nhiệm trong việc thẩm định, phản biện các dự án được trình ra, thậm chí nếu thấy có vấn đề cần phải chủ động bác bỏ.

“Dự án nào thì cũng là tiền thuế của dân, cần phải có tiếng nói để đảm bảo lợi ích cho người dân. Do đó, cần phải tăng cường hơn nữa tiếng nói phản biện, kĩ năng thẩm định trước mỗi dự án đầu tư”- bà Lan nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, những năm gần đây, nhận thức về điện hạt nhân cũng đang thay đổi trên thế giới, nhất là khi nhiều nước tiên tiến vẫn xảy ra những sự cố về phóng xạ. Nhiều nước như Đức, Nhật Bản, Indonesia, Philippines đã có xu hướng dừng phát triển điện hạt nhân, thậm chí Mỹ cũng không đầu tư thêm vào lĩnh vực này mấy chục năm nay.

Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là đảm bảo nguồn cung và tự chủ điện của đất nước. Việc dừng dự án này nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện cho việc phát triển kinh tế.

Nói với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận, hiện nay, có nhiều nguồn điện khác rẻ hơn, sạch hơn điện hạt nhân mà Việt Nam có thể tăng cường đầu tư như điện gió, điện mặt trời... Hơn nữa, điện hạt nhân vẫn chưa đảm bảo an toàn 100%, nếu như xảy ra hiện tượng phóng xạ hay ô nhiễm thì sẽ rất nguy hiểm.

“Việc dừng triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện sự dũng cảm của Chính phủ và Quốc hội” – ông Doanh nói.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/se-co-giai-phap-khac-phuc-he-luy-khi-dung-du-an-dien-hat-nhan-47225.html