Scotland có thể tách ra khỏi Anh để ở lại EU: 'Gậy ông đập lưng ông?'

Bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland – một thành viên của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã đề xuất tiến hành lần thứ 2 cuộc trưng cầu ý dân để tách khỏi Anh vào năm 2020. Lý do là vì Scotland muốn ở lại trong thị trường chung EU hơn là với Anh.Thông tin này đang khiến nước Anh thêm bối rối.

Trong một tuyên bố đưa ra tuần qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khẳng định Scotland (vùng nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) sẽ tiến hành lần thứ 2 cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề tách khỏi Anh vào năm 2020, nếu như Anh ra khỏi thị trường chung Liên minh châu Âu (EU). Bà Sturgeon cũng cho biết sẽ tìm hiểu khả năng để Scotland ở lại trong thị trường chung EU cho dù tất cả các vùng khác thuộc Anh rời khỏi thị trường này.

“Scotland là một đối tác bình đẳng trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Scotland muốn ở lại trong thị trường chung EU”, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói. Chính quyền Scotland có thể xem xét trưng cầu ý dân lần 2 trong khoảng thời gian 2 năm tới - cũng là thời gian nước Anh phải kết thúc các thương lượng và thủ tục để rời khỏi EU.

Lý do mà chính quyền Scotland đưa ra là họ phải bảo vệ quyền lợi cho công dân của mình và đảm bảo giữ những lợi ích có được từ việc là thành viên của EU. Bà Sturgeon cho rằng chính phủ mới của Anh sau Brexit không có kế hoạch và chiến lược phát triển cụ thể và Scotland phải tìm con đường riêng của mình.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về việc tách khỏi Anh

Hồi tháng 6/2016, hơn 60% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý do Anh tổ chức (Brexit). Sau khi phong trào Brexit giành thắng lợi trong cuộc cầu ý dân trên (Anh rời khỏi EU), Thủ hiến Scotland nhiều lần tuyên bố Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này. Gần một tháng sau đó, ngày 30/7/2016, khoảng 3.000 người đã tuần hành tại thành phố Glasgow yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về nền độc lập của Scotland sau sự kiện Brexit.

Trươc đó, hồi tháng 9/2014, chính quyền Scotland đã tổ chức trưng cầu dân ý tại vùng này về vấn đề tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland để trở thành một quốc gia độc lập. Khi đó có hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Anh.

Sức ép với London gia tăng

Dù các chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon là khó khả thi song sự việc này cho thấy sức ép đang đè nặng lên đôi vai của London.Tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc ở Brussels, bà Theresa May đã để ngỏ khả năng lựa chọn "Brexit cứng", theo đó Anh sẽ độc lập hoàn toàn về chủ quyền, lãnh thổ, luật pháp đối với EU và ưu tiên quyền kiểm soát nhập cư lên hàng đầu, trong đó việc tự do tìm việc, sinh sống của người dân EU tại Anh sẽ bị hạn chế bởi một số điều kiện nhất định.

Ngay lập tức, chính sách của Anh đã bị EU phản ứng. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 20/10 cảnh báo Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán cam go về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nếu vẫn theo đuổi một kịch bản "Brexit cứng".

Trong khi đó, sức ép về kinh tế đang khiến người dân Anh ngao ngán. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney cho biết giá một số mặt hàng tại Anh như thực phẩm sẽ tăng do đồng bảng Anh mất giá. Ví dụ như bột làm bánh mỳ nhãn hiệu Marmite, được người Anh ưa thích nhờ vị hơi đắng và mặn, đã "biến mất" từ ngày 13/10 trên chợ điện tử của chuỗi siêu thị khổng lồ Tesco. Dù được sản xuất tại Anh, loại bột mỳ đen nổi tiếng này lại là "tài sản" của tập đoàn Hà Lan Unilever. Đồng bảng Anh mất giá, giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, Unilever đề nghị tăng giá bán lẻ bột Marmite lên 10%, và Tesco đã từ chối.

Hàng loạt các tập đoàn doanh nghiệp kinh tế lớn ở Anh tuyên bố họ đang điêu đứng vì lợi nhuận và doanh số bán hàng sụt giảm. Chính vì thế, nếu khả năng Scotland tiên hành trưng cầu ý dân lần thứ 2 về việc tách khỏi Anh để ở lại EU trở thành hiện thực, thì đó sẽ lại là một cơn ác mộng mới đối với nước Anh.

Tuy nhiên, dư luận đang trông đợi cuộc thảo luận dự kiến vào cuối tháng 10 này giữa chính quyền Anh với các vùng thuộc Liên hiệp Anh, trong đó có sự tham gia của Scotland về một kế hoạch chung triển khai Brexit. Kết quả cuộc thương lượng này sẽ tác động mạnh đến khả năng trưng cầu ý dân lần 2 của Scotland cũng như các vùng khác thuộc Liên hiệp Anh.

N.Quang

(theo BBC, AP, Reuters)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/scotland-co-the-tach-ra-khoi-anh-de-o-lai-eu-gay-ong-dap-lung-ong-n123977.html